Bằng chính quy, tại chức có giá trị ngang nhau
Nghị định 161 nhấn mạnh, các cơ quan sử dụng công chức, viên chức không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập trong tuyển dụng công chức, viên chức.
Đây là một dung hoàn toàn mới mà trước đây, Nghị định 24/2010/NĐ-CP về tuyển dụng công chức và Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng viên chức chưa hề đề cập tới.
Như vậy, với quy định nêu trên, từ ngày 15/01/2019, sẽ không còn ranh giới nào giữa người có bằng đại học chính quy và người có bằng tại chức, từ xa, liên thông, cũng như giữa người học trường đại học công lập và người học trường dân lập.
Tất cả những người có văn bằng, chứng chỉ tại các loại hình đào tạo và cơ sở đào tạo nêu trên đều có cơ hội ngang nhau trong cuộc đua giành tấm vé vào biên chế của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuyển dụng công chức 2019: Không phân biệt bằng chính quy, tại chức (Ảnh minh họa)
Phù hợp với Luật Giáo dục đại học sửa đổi
Việc không phân biệt bằng chính quy, tại chức trong tuyển dụng công chức 2019 giúp những người học tại chức, từ xa, liên thông… bình đẳng với những người có bằng chính quy. Quy định này được cho là phù hợp với xu hướng không còn quá đề cao bằng cấp, mà coi trọng hơn về năng lực, kỹ năng hiện nay.
Đáng chú ý, quy định này cũng phù hợp với tinh thần của Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 vừa được Quốc hội thông qua và sẽ áp dụng từ ngày 01/07/2019.
Cụ thể, Luật Giáo dục đại học sửa đổi cũng quy định văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương, không còn quy định về hình thức đào tạo.
Theo đó có thể hiểu, các văn bằng đại học sẽ không còn phân biệt theo hình thức đào tạo; bằng chính quy, bằng tại chức, từ xa hay liên thông… được coi là có giá trị ngang nhau.
Xem thêm:
5 điểm mới của Nghị định 161 về tuyển dụng công chức, viên chức
Cần chuẩn bị gì để thi tuyển công chức 2019?
Khi nào công chức được tuyển dụng không qua thi tuyển?
Lan Vũ