Từ 01/6/2021, rộng cửa kiếm tiền trên Youtube?

Hôm nay là ngày có hiệu lực của Nghị định 38/2021/NĐ-CP với rất nhiều quy định đáng chú ý ảnh hưởng trực tiếp tới những tổ chức, cá nhân đang kiếm tiền từ quảng cáo trên internet.

Siết quảng cáo trên báo, trang tin điện tử

Nghị định 38 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo gây chú ý với quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 38. Cụ thể:

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

b) Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây;

c) Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài

Tức là, nếu thời gian chờ tắt quảng cáo hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định trên báo điện tử, trang tin điện tử quá 1,5 giây thì tổ chức, cá nhân sở hữu báo, trang tin đó sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng.

Mức phạt này cũng áp dụng với hành vi “Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài”.

Hai quy định nêu trên gây nên rất nhiều tranh cãi, đặc biệt là với những đơn vị, cá nhân đang kiếm tiền từ hoạt động quảng cáo trên báo, trang tin điện tử.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định không vượt quá 1,5 giây là thiếu thực tế, quá ngắn để có thể truyền tải thông điệp, gây khó khăn cho việc quảng cáo của các báo điện tử, trang tin cũng như nhãn hàng.

Đồng thời, việc không cho phép quảng cáo lẫn vào nội dung tin bài cũng ảnh hướng lớn đến hiệu quả tiếp cận, tương tác của người xem đến quảng cáo.

Chính vì thế, có nhiều người cho rằng, từ ngày 01/6/2021 - thời điểm có hiệu lực của quy định này - các nhãn hàng sẽ không còn chú trọng đặt quảng cáo trên các trang báo điện tử, trang tin điện tử nữa, mà tìm cách tiếp cận khách hàng trên các nền tảng mảng xã hội khác như Facebook, Youtube…

Thực tế, trên YouTube, Facebook... hiện nay, thời gian tối thiểu để người xem có thể tắt quảng cáo là 5 giây, có nhiều trường hợp lên tới 15 giây.

Tất nhiên, khi các nhãn hàng tập trung vào quảng cáo trên Youtube, Facebook… sẽ là lợi thế của những người sản xuất nội dung trên các nền tảng mảng xã hội này. Cơ hội kiếm được nhiều tiền quảng cáo từ các video trên Youtube, từ 01/6/2021, được nhiều người cho là sẽ rộng cửa hơn.

Từ 01/6/2021, rộng cửa kiếm tiền trên Youtube?

Nghị định 38/2021 gián tiếp khiến việc sản xuất nội dung trên Youtube được lợi?


Quy định không có gì mới!

Như phân tích ở trên, việc siết chặt quảng cáo trên báo điện tử, trang tin điện tử lại tạo đà cho việc đẩy mạnh quảng cáo trên mạng xã hội, tuy nhiên thực tế, đây không phải là quy định mới.

Tại Nghị định 158/2013, áp dụng từ ngày 01/01/2014 và hết hiệu lực vào ngày 01/6/2021, mức phạt về “Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây; “Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin” cũng đã được nhắc đến.

Trong đó, trường hợp “thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây” trước đây cũng bị phạt 10 - 15 triệu đồng; còn hành vi “thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin chỉ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

Đồng thời, tại khoản 1 Điều 23 Luật Quảng cáo 2012 cũng quy định rõ:

1. Quảng cáo trên báo điện tử phải tuân theo các quy định sau:

a) Không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin;

b) Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo tối đa là 1,5 giây.

Nói tóm lại, thông tin từ ngày 01/6/2021, việc kiếm tiền quảng cáo trên Facebook, Youtube sẽ trở nên dễ dàng hơn, do các nhãn hàng “ngại” các quy định siết chặt việc quảng cáo trên báo điện tử, trang tin điện tử là thông tin không hoàn toàn chính xác.


Thực tế, đây không phải là quy định mới mà đã được áp dụng từ 01/01/2014, nhưng các trang báo điện tử, trang tin điện tử vẫn là sự chọn đặt quảng cáo của các nhãn hàng, doanh nghiệp từ đó đến nay.

>> 5 quy định đáng chú ý về quảng cáo có hiệu lực từ 01/6/2021

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục