Sáng ngày 17/11/2017, Nguyễn Hải Dương - kẻ chủ mưu vụ giết 06 người trong một gia đình ở Bình Phước gây xôn xao dư luận 2 năm trước đã được cơ quan chức năng thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Nguyễn Hải Dương không phải là tử tù đầu tiên áp dụng biện pháp thi hành án này.
Theo Điều 59 Luật Thi hành án hình sự của Quốc hội số 53/2010/QH10, từ ngày 01/07/2011, thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc, thay cho hình thức xử bắn đã được áp dụng trước đó. Cũng theo Điều này, quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định. Trước khi thi hành án, Hội đồng thi hành án tử hình phải kiểm tra danh bản, chỉ bản, hồ sơ lý lịch của người chấp hành án tử hình; trường hợp người chấp hành án là nữ thì Hội đồng phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi hành án tử hình theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trước khi thi hành án tử hình, người chấp hành án tử hình được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân.
Việc thi án án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc được quy định rất cụ thể tại Nghị định 82/2011/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 47/2013/NĐ-CP). Theo đó, thuốc được sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm: Thuốc làm mất trí giác; Thuốc làm liệt hệ vận động; Thuốc làm ngừng hoạt động của tim. Một liều gồm 03 loại thuốc này và dùng cho một người. Nơi thực hiện thi hành án tử hình phải được trang bị đầy đủ các phương tiện phục vụ cho thi hành án, gồm: Giường nằm có các đai dùng để cố định tử tù; Ống dẫn, kim tiêm và máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển; Máy kiểm tra nhịp đập của tim; Màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án; Các dụng cụ và trang thiết bị khác.
Người bị đưa ra thi hành án tử hình được hưởng tiêu chuẩn ăn, uống bằng 05 lần tiêu chuẩn của ngày lễ, tết quy định đối với người bị tạm giam.
Hình ảnh minh họa |
Đầu tiên, cán bộ trực tiếp thi hành án phải chuẩn bị đủ 03 liều thuốc (trong đó có 02 liều dự phòng). Sau đó, cán bộ trực tiếp thi hành án xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm. Trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch.
Tiếp đến, cán bộ trực tiếp thi hành án sẽ đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định theo trình tự: Bước 1: Tiêm thuốc làm mất trí giác. Sau khi tiêm thuốc xong, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án tử hình phải tiến hành kiểm tra, nếu người bị thi hành án tử hình chưa mất trí giác thì tiếp tục tiêm thuốc cho đến khi họ mất trí giác. Bước 2: Tiêm thuốc làm liệt hệ vận động. Bước 3: Tiêm thuốc làm ngừng hoạt động của tim.
Sau khi tiêm xong 03 mũi, kiểm tra hoạt động tim của tử tù qua máy điện tâm đồ. Trường hợp sau 10 phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng, tiếp tục thực hiện tiêm lần thứ hai. Trường hợp đã tiêm hết hai liều thuốc mà người bị thi hành án vẫn chưa chết, thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án ra lệnh tiêm lần thứ ba.
Bác sĩ pháp y sẽ tiến hành kiểm tra, xác định tình trạng của người bị thi hành án tử hình. Nếu bác sĩ pháp y kết luận người bị thi hành án tử hình đã chết, cán bộ thi hành án tử hình ngừng truyền và đưa kim tiêm, đường ống dẫn ra khỏi người bị thi hành án tử hình.
Việc thực hiện các bước tiêm thuốc độc vào tử tù có thể được tiến hành theo phương pháp tự động hoặc trực tiếp.
Để tìm hiểu thêm về những quy định được nêu trong bài, bạn đọc tham khảo: