Từ “biệt phủ” Yên Bái đến chuyện kê khai tài sản của công chức

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái được xác định thiếu trung thực khi kê khai tài sản. Trong khi đó, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: Người kê khai tài sản có nghĩa vụ phải kê khai trung thực và chịu trách nhiệm về việc kê khai.

Câu chuyện “biệt phủ” Yên Bái của ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái gây xôn xao dư luận suốt mấy tháng vừa qua đang dần đi đến hồi kết. Chiều ngày 23/10, tại trụ sở UBND tỉnh Yên Bái, đoàn Thanh tra Chính phủ đã họp và đưa ra những kết luận về việc này. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Quý đã kê khai tài sản không trung thực.

Cụ thể, trong ba năm liên tiếp (năm 2014, 2015 và 2016), ông Quý luôn kê khai thiếu tài sản của mình. Cụ thể, trong năm 2014, ông này không kê khai 1.200 m2 đất ở, 59.597 m2 đất nông nghiệp do vợ ông đứng tên và 3,8 tỷ đồng tiền vay ngân hàng. Năm 2015, ông Quý không kê khai 13.111 m2 đất ở, 41.568 m2 đất nông nghiệp do vợ đứng tên, không kê khai khoản tiền 6,3 tỷ đồng vay ngân hàng và 1,9 tỷ đồng tiền bố mẹ cho. Năm 2016, ông Quý kê khai thiếu gần 8.000 m2 đất ở, hơn 27.500 m2 đất nông nghiệp do vợ đứng tên; không kê khai một căn nhà diện tích 600 m2 tại phường Minh Tân, TP. Yên Bái; không kê khai tiền vay ngân hàng 9,1 tỷ đồng và 60 cây vàng vay bạn bè. Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện trong thời gian từ năm 2014 - 2016, vợ chồng ông Quý đã ký 04 hợp đồng tín dụng, vay ngân hàng với tổng số tiền hơn 13,3 tỷ đồng. Các khoản vay này được gia đình ông Quý sử dụng vào việc xây dựng nhà ở, trang trại…

Việc kê khai tài sản không đầy đủ của ông Quý được xác định vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng.


"Biệt phủ" gây xôn xao dư luận thời gian qua

Theo Điều 4 Nghị định 78/2013/NĐ-CP, việc kê khai tài sản, thu nhập nhằm minh bạch tài sản, thu nhập, phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 của Quốc hội, sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012 quy định những đối tượng phải thực hiện kê khai tài sản bao gồm: Cán bộ từ Phó trưởng phòng của UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; Người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Các đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập cũng được nêu rất chi tiết tại Điều 7 Nghị định 78/2013/NĐ-CP.

Về nguyên tắc kê khai tài sản, thu nhập, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012 quy định, người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực và chịu trách nhiệm về việc kê khai.

Về tài sản, thu nhập phải kê khai, Điều 8 Nghị định 78/2013/NĐ-CP có quy định gồm: Các loại nhà, công trình xây dựng; Các quyền sử dụng đất; Tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi các cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài mà giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên; Tài sản ở nước ngoài; Ô tô, mô tô, xe máy, tàu, thuyền và những động sản khác mà Nhà nước quản lý có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Kim loại quý, đá quý, cổ phiếu, các loại giấy tờ có giá trị chuyển nhượng có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Các khoản nợ phải trả có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên và tổng thu nhập trong năm.

Trở lại trường hợp của ông Quý, là lãnh đạo một cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, theo quy định nêu trên, ông Quý có nghĩa vụ phải kê khai trung thực, đầy đủ tài sản, thu nhập của mình và của vợ, tuy nhiên, ông này lại kê khai không đầy đủ.

Theo Nghị định 78/2013/NĐ-CP, người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật. Cụ thể, đối với công chức như trường hợp của ông Quý, sẽ bị áp dụng một trong các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức; Đối với cán bộ, áp dụng một trong các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm; Đối với viên chức, áp dụng một trong các hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức;…

Để tìm hiểu thêm về các quy định liên quan, bạn đọc tham khảo:

Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 của Quốc hội

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng số 01/2007/QH12 của Quốc hội

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng của Quốc hội, số 27/2012/QH13

Nghị định 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục