Trưởng phòng giao dịch Vietinbank rút gần 2 tỷ đồng tiền tiết kiệm của khách

Trong gần 6 năm, Trưởng phòng giao dịch Thanh Ba thuộc Vietinbank chi nhánh Đền Hùng đã rút tổng cộng 06 sổ tiết kiệm với số tiền lên đến gần 2 tỷ đồng....

Công an tỉnh Phú Thọ mới đây cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Mai Thị Tân Dân (40 tuổi, trú thị xã Phú Thọ, nguyên Trưởng phòng giao dịch Thanh Ba thuộc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Vietinbank, chi nhánh Đền Hùng, Phú Thọ) về hành vi tham ô tài sản.

Theo điều tra, tính từ tháng 10/2011 đến tháng 05/2017, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao cũng như sự tin tưởng của khách hàng, bà Dân đã lừa khách hàng ký trước vào nhiều giấy tờ lĩnh tiền, bảng kê giao nhận tiền mặt khống, tự mình giả chữ ký để rút gần 2 tỷ đồng từ 06 sổ tiết kiệm. Số tiền này được Dân sử dụng vào mục đích cá nhân.

Trước đó, thông tin về việc gần 800 triệu đồng gửi ngân hàng “không cánh mà bay” được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến dư luận vô cùng xôn xao. Cụ thể, bà Nguyễn Thị H. (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) có gửi 800 triệu đồng tại Phòng giao dịch Vietinbank Thanh Ba, chi nhánh Đền Hùng, kỳ hạn gửi tiền là 06 tháng. Hết kỳ hạn, bà H. đến Phòng giao dịch ngân hàng thì được thông báo trong tài khoản chỉ còn 10 triệu đồng. Số tiền 790 triệu đồng đã bị rút hai lần trước đó: một lần 400 triệu và một lần 390 triệu. Trong khi đó, bà H. khẳng định không rút tiền, đồng thời sổ tiết kiệm gốc bà giữ cũng không có bất kỳ xác nhận nào của ngân hàng về hai lần rút tiền. Khi gia đình bà H. yêu cầu phía ngân hàng giải thích về sự việc thì không nhận được câu trả lời hợp lý.


Sổ tiết kiệm của khách hàng
Quay trở lại đối tượng Mai Thị Tân Dân, với hành vi tham ô tài sản, Dân có thể sẽ phải đối mặt với mức án tù chung thân. Cụ thể, Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 có quy định về Tội tham ô tài sản như sau: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ 02 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 02-07 năm: Gây hậu quả nghiêm trọng; Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội liên quan đến tham nhũng, chưa được xóa án tích.

Điều luật này cũng quy định phạt tù từ 07-15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; Phạm tội nhiều lần; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng khác. Mức phạt cao nhất của tội này là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình khi người phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01-05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối tượng Mai Thị Tân Dân chiếm đoạt số tiền gần 2 tỷ đồng, khi xét xử, căn cứ vào những tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định mức án phù hợp. Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau thì mức hình phạt cao nhất mà Dân có thể phải đối mặt là tù chung thân (theo tiết b, điểm 4.1, khoản 4, Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của các điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 Bộ luật Hình sự năm 1999).

Thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện những vụ việc người dân tố bị mất tiền trong tài khoản hoặc bị lừa rút tiền trong sổ tiết kiệm khi gửi ngân hàng. Khi khách hàng tin tưởng rằng gửi tiền vào ngân hàng là an toàn nhất thì những vụ việc như thế này đang khiến người dân vô cùng lo lắng. Phát hiện và xử lý kịp thời những cá nhân có hành vi tham ô, chiếm đoạt tài sản không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của người dân mà còn giữ gìn uy tín của các tổ chức tín dụng.

Mức phạt trên chỉ mang tính chất tham khảo, để tìm hiểu thêm về những quy định liên quan đến các tội về tham nhũng, bạn đọc có thể tham khảo những văn bản sau:

Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 của Quốc hội

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, số 37/2009/QH12 của Quốc hội

Nghị quyết 01/2001/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của các điều 139, 193, 194, 278, 279 và 289 Bộ luật Hình sự năm 1999

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Có phải đổi sổ đỏ sang mẫu mới khi sắp xếp lại đơn vị hành chính?

Có phải đổi sổ đỏ sang mẫu mới khi sắp xếp lại đơn vị hành chính?

Có phải đổi sổ đỏ sang mẫu mới khi sắp xếp lại đơn vị hành chính?

Đây là câu hỏi mà rất nhiều người dân đặt ra khi các tỉnh, thành phố đang thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Cùng LuatVietnam tìm hiểu ngay “Có phải đổi sổ đỏ sang mẫu mới khi sắp xếp lại đơn vị hành chính?” không trong bài viết dưới đây.

“Nổ” xin được việc vào công an, nhân viên quản lý trật tự đô thị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

“Nổ” xin được việc vào công an, nhân viên quản lý trật tự đô thị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

“Nổ” xin được việc vào công an, nhân viên quản lý trật tự đô thị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

Giới thiệu bản thân có nhiều mối quan hệ, có thể xin việc vào ngành công an, hoặc các bệnh viện, Chinh đã chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng của hai gia đình…