Dẫn độ là gì? Trường hợp nào người nước ngoài bị dẫn độ?

Dẫn độ là một trong những hoạt động nhằm tránh việc bỏ lọt tội phạm và tăng cường hợp tác toàn diện giữa các quốc gia trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm. Vậy theo pháp luật Việt Nam, trường hợp nào người nước ngoài bị dẫn độ về nước?

1. Dẫn độ là gì?

Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó (theo khoản 1 Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp 2007).

Cũng theo khoản 2 của Điều luật trên:

2. Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể:

a) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án;

b) Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Về cơ bản, mục đích và bản chất của dẫn độ là thể hiện sự hỗ trợ về mặt pháp lý giữa các quốc gia để thực hiện thẩm quyền xét xử hình sự đối với các loại tội phạm có tính chất quốc tế.

Hoạt động dẫn độ được thực hiện giữa các quốc gia trên cơ sở các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc dựa trên nguyên tắc có đi có lại. Theo đó, yêu cầu dẫn độ tội phạm sẽ được diễn ra theo đúng trình tự và thủ tục đã thỏa thuận.

Đây được coi là hoạt động hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia nhằm tránh việc bỏ lọt tội phạm và tăng cường hợp tác toàn diện trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm.

Người nước ngoài bị dẫn dộ về nước (Ảnh minh họa)

2. Trường hợp nào người nước ngoài bị dẫn độ về nước?

Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp quy định về trường hợp bị dẫn độ như sau:

1. Người có thể bị dẫn độ theo quy định của Luật này là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật Hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.

2. Hành vi phạm tội của người quy định tại khoản 1 Điều này không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu.

3. Trường hợp hành vi phạm tội của người quy định tại khoản 1 Điều này xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội.

Theo quy định trên, người nước ngoài có thể bị dẫn độ về nước khi có hành vi phạm tội mà Bộ luật Hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù từ 01 năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt còn lại ít nhất 06 tháng.

Hành vi phạm tội của người nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu không cần phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm cũng không cần phải giống nhau.

Nếu hành vi phạm tội của người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam hoặc nước khác không phải nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu hành vi đó bị coi là phạm tội theo Bộ luật Hình sự Việt Nam.

3. Trường hợp nào Việt Nam từ chối dẫn độ cho nước ngoài?

Không phải bất cứ trường hợp nào khi có yêu cầu, cơ quan tố tụng của Việt Nam cũng đồng ý dẫn độ người nước ngoài về nước.

Căn cứ khoản 1 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam phải từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp:

- Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam;

- Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác;

- Người bị yêu cầu dẫn độ đã bị Tòa án của Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp Việt Nam;

- Người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam và có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, dân tộc, quốc tịch, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị;

- Không đáp ứng yêu cầu được dẫn độ theo khoản 1 Điều 33.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp:

- Hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam;

- Người bị yêu cầu dẫn độ đang truy cứu trách nghiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ.

Ngoài ra, nếu từ chối dẫn độ người nước ngoài, cơ quan tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước yêu cầu dẫn độ.

Trên đây là giải đáp cho câu hỏi Dẫn độ là gì? Trường hợp nào người nước ngoài bị dẫn độ về nước? Bạn đọc tham khảo nội dung bài viết nếu có bất cứ thắc mắc gì vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục