Trường hợp nào được lựa chọn, thay đổi, chỉ định người bào chữa?

Người bào chữa có vai trò góp phần tìm ra sự thật khách quan của vụ án hình sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội. Vậy pháp luật quy định việc lựa chọn, thay đổi, chỉ định người bào chữa như thế nào?

1. Người bào chữa là gì?

Theo Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định và được tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

Người bào chữa có thể là:

- Luật sư;

- Người đại diện của người bị buộc tội;

- Bào chữa viên nhân dân (là người được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình)

-Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

chi dinh nguoi bao chua
Người bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội  (Ảnh minh họa)

2. Người bào chữa do ai lựa chọn?

Trong mọi trường hợp, người bị buộc tội đều có quyền được bào chữa.

Việc lựa chọn người bào chữa được quy định tại Điều 75 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Theo đó, người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn.

- Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ: cơ quan có thẩm quyền đang quản lý có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ.

Nếu người bị bắt, bị tạm giữ không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan đang quản lý phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.

- Trong thời hạn 24 giờ kể khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị tạm giam: cơ quan có thẩm quyền quản lý có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ.

Nếu người bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan quản lý phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.

- Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, tạm giam, tạm giữ có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền phải thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để có ý kiến của họ về việc nhờ người bào chữa.

- Người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ có thể đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa nếu người bị buộc tội là thành viên của một trong các tổ chức này.

3. Trường hợp nào phải chỉ định người bào chữa?

Căn cứ Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ trong các trường hợp:

- Bị can, bị cáo về tội có mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

- Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa;

- Người có nhược điểm về tâm thần;

- Người dưới 18 tuổi.

Cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp phải chỉ định người bào chữa:

- Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;

- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý hoặc luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

chi dinh nguoi bao chua

Người bào chữa (Ảnh minh họa)

4. Các trường hợp thay đổi, từ chối người bào chữa

Việc thay đổi hoặc từ chối người bào chữa được quy định tại Điều 77 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:

- Những người có quyền từ chối hoặc thay đổi người bào chữa là người bị buộc tội, người đại diện của người bị buộc tội và người thân thích của người bị buộc tội.

- Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ các trường hợp: người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa, người có nhược điểm về tâm thần hoặc người dưới 18 tuổi.

- Trong giai đoạn điều tra, người được bào chữa có đề nghị từ chối người bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người đó để xác nhận việc từ chối.

- Trường hợp chỉ định người bào chữa với bị can, bị cáo về tội có mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình: Người bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.

Nếu từ chối người bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.

Trên đây là các quy định về lựa chọn, thay đổi, chỉ định người bào chữa. Nếu có thắc mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Luật sư bào chữa được tham gia từ giai đoạn nào của vụ án?

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục