Trường hợp nào ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh?

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ tư được coi là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại Việt Nam vẫn đang ghi nhận số ca nhiễm kỉ lục tại nhiều tỉnh, thành. Vì thế, một vấn đề mà người dân quan tâm gần đây là trường hợp nào ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh?

Ai có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh?

Trước khi tìm hiểu trường hợp nào ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, người dân nên biết ai có thẩm quyền này.

Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền ban hành Nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Như vậy, quy trình ban bố tình trạng khẩn cấp tiến hành như sau: Thủ tướng đề xuất. Sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết. Nếu cơ quan này không thể họp ngay thì Chủ tịch nước ra Lệnh để ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.

Trường hợp nào ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh?

Tại Điều 42 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định, cơ quan có thẩm quyền phải ban bố tình trạng khẩn cấp nếu: Trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngoài ra, Điều 1 Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 23/3/2000 quy định:

Khi trong cả nước hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp để áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình”.

Trường hợp nào ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh?
Trường hợp nào ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh? (Ảnh minh họa)

Tại sao phải ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh?

Theo các thông lệ quốc tế, tình trạng khẩn cấp là một tình huống cho phép chính quyền có thể ban hành những chính sách, hoặc thực hiện những hành động mà thông thường không được phép thực hiện, nhân danh lợi ích công cộng.

Những chính sách được chính quyền ban hành trong tình trạng khẩn cấp có thể hạn chế một phần hay toàn bộ một số quyền tự do của người dân, cũng như kích hoạt những cơ chế phản ứng khẩn cấp để đối phó với thảm họa.

Tại Việt Nam cũng tương tự, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay Chủ tịch nước ban hành tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh nguy hiểm, sẽ được áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, các biện pháp này được quy định từ Điều 21 đến Điều 28 Nghị định 71/2002/NĐ-CP, điển hình như:

1. Tổ chức cấp cứu, khám chữa bệnh

Tại địa bàn có tình trạng khẩn cấp có thể áp dụng các biện pháp sau đây để tổ chức cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bị nhiễm bệnh và có nguy cơ bị nhiễm bệnh:

- Phân loại, sơ cứu, cấp cứu kịp thời người bị nhiễm bệnh theo phác đồ hướng dẫn thống nhất của Bộ Y tế;

- Tổ chức điều trị miễn phí cho những người bị nhiễm bệnh;

- Lập các trạm chống dịch tại địa bàn có tình trạng khẩn cấp để tiếp nhận, cấp cứu người bị nhiễm bệnh;

- Thành lập các đội cấp cứu lưu động được trang bị dụng cụ y tế, thuốc men, phương tiện để phát hiện và cấp cứu tại chỗ người bị nhiễm bệnh, sẵn sàng chuyển người bị nhiễm bệnh về các trạm chống dịch nơi gần nhất;

- Tập trung phương tiện, thuốc men, trang thiết bị y tế, chuẩn bị giường bệnh, phòng khám, điều trị và bố trí cán bộ y tế chuyên môn trực 24/24 giờ để sẵn sàng cấp cứu, khám chữa bệnh miễn phí cho người bị nhiễm bệnh và người có nguy cơ bị nhiễm bệnh;

- Huy động các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bị nhiễm bệnh, người có nguy cơ bị nhiễm bệnh;

- Các biện pháp cần thiết khác.

2. Hạn chế ra, vào vùng có dịch bệnh; thực hiện kiểm dịch, xử lý y tế đối với người, phương tiện ra vào vùng có dịch bệnh

Tại địa bàn có tình trạng khẩn cấp có thể áp dụng biện pháp sau đây để hạn chế việc ra, vào vùng có dịch bệnh, thực hiện kiểm dịch và xử lý y tế đối với người, phương tiện ra, vào vùng có dịch bệnh:

- Cấm hoặc hạn chế người, phương tiện không có nhiệm vụ ra, vào vùng có dịch bệnh; trường hợp cần thiết phải ra, vào vùng có dịch bệnh thì phải thực hiện biện pháp kiểm dịch y tế bắt buộc;

- Lập trạm gác, trạm kiểm dịch liên ngành hoặc bố trí các Đội công tác chống dịch khẩn cấp tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng có dịch bệnh để kiểm tra, giám sát và xử lý y tế đối với người, phương tiện ra vào;

- Tổ chức tuần tra, kiểm soát trên dọc ranh giới địa bàn có tình trạng khẩn cấp, kịp thời ngăn chặn các trường hợp ra, vào trái phép vùng có dịch bệnh và chủ động phòng, chống dịch có khả năng lan rộng;

- Kiểm dịch bắt buộc đối với hàng hoá, vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm, đồ uống đưa vào hoặc đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh;

- Kiểm tra và xử lý y tế đối với tất cả các phương tiện ra khỏi vùng có dịch bệnh; chỉ cho phép các phương tiện đã được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch y tế ra khỏi vùng có dịch bệnh;

- Các biện pháp cần thiết khác.

3. Các biện pháp chống dịch khẩn cấp

Tại địa bàn có tình trạng khẩn cấp có thể áp dụng các biện pháp chống dịch khẩn cấp sau đây:

- Tổng tẩy uế, diệt khuẩn, khử độc ổ dịch;

- Tổ chức cách ly và điều trị triệt để cho người bị nhiễm dịch bệnh, tiến hành theo dõi chặt chẽ sau điều trị đề phòng dịch bệnh tái phát;

- Tăng cường kiểm tra, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng;

- Tiêu hủy ngay hàng hoá, vật phẩm có mang tác nhân gây bệnh;

- Tổ chức xử lý y tế và chôn cất người chết, xác động vật theo quy định của pháp luật;

- Tăng cường các biện pháp kiểm tra y tế đối với người, phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh, hành lý, hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định của pháp luật…

Trên đây là quy định của pháp luật về trường hợp nào ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Có thể thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dù chưa ban bố tình trạng khẩn cấp, nhiều biện pháp kể trên đã được áp dụng trên thực tế.

Nếu bạn đọc có vướng mắc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Xử lý thi hài người chết vì Covid-19 thế nào?

>> Tin mới nhất về Dịch Covid-19

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục