Trưng bày đao, kiếm trong nhà có vi phạm pháp luật?

Bài viết sau sẽ cung cấp quy định của pháp luật về việc sở hữu, trưng bày các loại đao, kiếm trong nhà và biện pháp xử lý đối với các hành vi buôn bán, sử dụng vũ khí thô sơ trái phép.


Có được trưng bày đao, kiếm, vũ khí thô sơ trong nhà không?

Hiện nay, có rất nhiều người sở hữu và treo các loại đao, kiếm trong nhà để trưng bày theo phong thủy hoặc sở thích.

Thậm chí, một số nơi ở vùng Tây Nguyên, người ta còn sử dụng vũ khí thô sơ như cung, nỏ, phi tiêu… để trưng bày như truyền thống của dân tộc.

Tuy nhiên, khi trưng bày các loại vũ khí thô sơ như vậy, nhiều người lo ngại rằng chúng sẽ có khả năng sẽ gây mất an toàn cho những người xung quanh. Vậy có được trưng bày đao, kiếm trong nhà không?

Khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định như sau:

Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.

Theo đó, đao, kiếm hay các loại vũ khí thô sơ khác là những vũ khí có tính sát thương cao nếu sử dụng không đúng cách.

Đồng thời, pháp luật chỉ cho phép sử dụng trong một số trường hợp nhất định và đảm bảo nguyên tắc an toàn.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định: cấm cá nhân sở hữu vũ khí, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.

Như vậy, nếu sở hữu các loại đao, kiếm, vũ khí thô sơ trong nhà nhưng chỉ là hiện vật trưng bày hoặc là đồ gia bảo, đồ truyền thống dân tộc thì pháp luật không cấm.

trung bay dao kiem trong nhaTrưng bày đao kiếm trong nhà (Ảnh minh họa)

Mua bán, sử dụng vũ khí thô sơ trái phép bị phạt thế nào?

Vũ khí là thiết bị có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.

Trong đó, việc mua bán, sử dụng vũ khí chỉ được cấp phép cho những cơ quan, tổ chức và cá nhân có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.

Về mức phạt hành chính, theo Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, người có hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng. Cụ thể:

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

b) Sản xuất, sửa chữa các loại đồ chơi đã bị cấm;

c) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;

d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí thể thao;

đ) Vận chuyển vũ khí, các chi tiết vũ khí quân dụng, phụ kiện nổ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định trong giấy phép hoặc không có các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;

e) Bán vật liệu nổ công nghiệp, Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) cho các đơn vị chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép;

b) Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm.

Về xử lý hình sự, Điều 306 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác như sau:

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có 11 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng trở lên;

c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

d) Làm chết 01 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

g) Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Theo quy định trên, nếu đã từng bị phạt về hành vi chế tạo, sử dụng hoặc mua bán… trái phép vũ khí thô sơ mà tái phạm, người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 306 với mức phạt tù lên đến 05 năm.

Đồng thời, có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 50 triệu đồng hoặc phạt quản chế hoặc cấm cư trú đến 05 năm.

Trên đây là giải thích về vấn đề: Trưng bày đao kiếm trong nhà có vi phạm pháp luật? Nếu có thắc mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi đến tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Sử dụng bình xịt hơi cay để tự vệ có phạm pháp không?

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Đổi bằng lái xe nước ngoài sang Việt Nam: Tất tần tật thông tin cần biết

Đổi bằng lái xe nước ngoài sang Việt Nam: Tất tần tật thông tin cần biết

Đổi bằng lái xe nước ngoài sang Việt Nam: Tất tần tật thông tin cần biết

Đổi bằng lái xe nước ngoài sang Việt Nam là quy trình cần thiết cho người nước ngoài và người Việt định cư ở nước ngoài muốn lái xe tại Việt Nam. Bài viết sẽ cung cấp thông tin chi tiết về quy trình và điều kiện cần thiết để thực hiện việc đổi bằng.