Tiệm vàng không được phép nhận tiền gửi tiết kiệm
Hiện nay, các quy định về tiền gửi tiết kiệm đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định khá cụ thể tại Thông tư 48/2018/TT-NHNN.
Theo Thông tư này, chỉ các tổ chức tín dụng sau đây mới được phép nhận tiền gửi tiết kiệm:
- Ngân hàng thương mại;
- Ngân hàng hợp tác xã;
- Tổ chức tài chính vi mô;
- Quỹ tín dụng nhân dân;
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đối chiếu quy định nêu trên có thể thấy, tiệm vàng không phải là một tổ chức tín dụng và không được phép thực hiện nghiệp vụ nhận tiền gửi tiết kiệm. Cũng theo Thông tư 48, tổ chức tín dụng nhận tiền gửi tiết kiệm còn phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về lãi suất, về hình thức gửi tiền và phương thức phát hành sổ tiết kiệm.
Tiệm vàng không được phép nhận tiền tiết kiệm (Ảnh minh họa)
“Trót” gửi tiền tiết kiệm ở tiệm vàng, phải làm sao?
Vì thiếu hiểu biết và vì tin vào mức lãi suất “khủng” do các tiệm vàng hứa hẹn, không ít người dân ở thị xã Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc đã “sập bẫy” mà trót mang cả tiền tỉ đi gửi tiết kiệm ở tiệm vàng.
Sự việc trên không phải hiếm gặp. Trước đây, hàng trăm hộ dân ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An hay người dân ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội cũng rơi vào cảnh khốn đốn vì gửi tiết kiệm ở tiệm vàng. Khi cần rút tiền ra, chủ tiệm vàng không những không trả lãi mà cả khoản tiền gốc cũng có nguy cơ mất trắng.
Như đã nói ở trên, tiệm vàng không thuộc diện được phép nhận tiền gửi tiết kiệm. Do đó, giao dịch gửi – nhận tiền giữa tiệm vàng và khách hàng có thể được coi là một giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối (theo Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015).
Khi đó, người gửi tiền có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu chủ tiệm vàng hoàn trả lại tiền, cũng như bồi thường thiệt hại. Đồng thời, nếu có dấu hiệu của Tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người gửi tiền có thể tố cáo chủ tiệm vàng tới cơ quan điều tra.
Xem thêm:
Đổi USD ở đâu là hợp pháp?
Lan Vũ