Treo bé gái 5 tuổi lên xà: Tối đa 3 năm tù

(LuatVietnam) Người mẹ nuôi buộc dây, treo bé gái 5 tuổi lên thanh xà có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 01-03 năm tù.

Vài ngày trước, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh một bé gái bị trói tay, treo lơ lửng trên thanh xà, kêu khóc thảm thiết. Những hình ảnh này nhanh chóng được lan truyền rộng rãi và nhận được sự chú ý của nhiều người. Bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự xót thương với hoàn cảnh cháu bé, có không ít người tỏ thái độ bức xúc, tức giận với đối tượng đã nhẫn tâm treo cháu bé lên xà.

Theo kết quả điều tra, cháu bé bị treo lên xà là Nguyễn Lê Ngọc Anh (5 tuổi), còn đối tượng trói tay, treo Ngọc Anh lên xà là Nguyễn Thị Phượng (46 tuổi, xã Vân Xuân, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Được biết, bố mẹ Ngọc Anh hiện đang thụ án tù ở Thanh Hóa, bé được bà Phượng nhận nuôi vào khoảng tháng giữa năm 2016. Vào ngày 23/06, bà Phượng phát hiện bé Ngọc Anh lấy trộm sữa để uống nên đã tức giận dùng dây trói tay bé và treo bé lên thành xà. Sự việc được một người dùng điện thoại quay lại và đăng tải lên mạng xã hội.

(Ảnh internet)

Hành vi của bà Phượng đối với bé Ngọc Anh là không thể chấp nhận được. Đây là hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trường hợp bà Phượng có đủ năng lực hành vi dân sự, thần kinh bình thường có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị phạt tù tùy theo động cơ, mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Cụ thể, theo Khoản 2 - Điều 27 - Nghị định số 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần; Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần. Ngoài ra, người vi phạm buộc phải chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em; Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em…

Ngoài ra, việc bà Phượng trói tay, treo bé gái lơ lửng lên xà cũng có thể bị khởi tố hình sự về Tội hành hạ người khác theo Điều 110 Bộ luật Hình sự 1999. Theo đó, khung hình phạt cao nhất của tội này là 03 năm tù. Cụ thể, người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật; Đối với nhiều người. Tùy vào tỷ lệ thương tật của cháu bé, bà Phượng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999.

Quay lại trường hợp của bé Ngọc Anh, liệu có gì đảm bảo rằng sau sự việc xảy ra bé sẽ không bị ám ảnh tâm lý, tổn thương tình cảm? Theo nghiên cứu, hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ra những tổn thương tâm lý cho trẻ. Trẻ bị ngược đãi, hành hạ thường dễ nảy sinh tâm lý thù hận, chống đối, trẻ cũng có thể bị tự kỷ, trầm cảm… Chính vì những hậu quả này, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm khắc những hành vi hành hạ, ngược đãi trẻ em.

Những điều, khoản, khung hình phạt được nêu trong bài viết chỉ mang tính tham khảo, bạn đọc có thể tham khảo chi tiếttại các văn bản sau:

Nghị định số 144/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 của Quốc hội

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục