Trao nhầm con, bệnh viện phải bồi thường thế nào?

Thời gian qua, liên tục xảy ra những sự việc bệnh viện trao nhầm trẻ sơ sinh, thậm chí có những sự việc nhiều năm sau mới phát hiện, gây ra không ít đau đớn, xót xa cho những người trong cuộc.

Sau 6 năm đau đớn phát hiện bị trao nhầm con

Mới đây nhất là sự việc anh Phùng Giang Sơn (Ba Vì, Hà Nội) tố Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì đã trao nhầm con. Cụ thể, theo đơn kiến nghị gửi Bộ Y tế, anh Phùng Giang Sơn cho biết, ngày 01/11/2012, vợ anh hạ sinh con tại Khoa sản, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì. Khi nghi ngờ nhầm tã lót, gia đình đã hỏi lại bác sĩ đỡ đẻ và được khẳng định là chỉ nhầm tã lót chứ không nhầm con.

Tuy nhiên, khi cháu Phùng Thanh H. càng lớn thì gia đình càng nhận thấy có những nét không giống bố mẹ nên đã đưa cháu H. đi xét nghiệm và được kết quả là cháu H. không phải con của vợ chồng anh.

Sau đó, gia đình anh đã đến làm việc với bệnh viện nhưng sau một thời gian vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng của bệnh viện.

Ngày 10/7 vừa qua, Bộ Y tế đã ra Công văn gửi Sở Y tế Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) của kíp trực tại Bệnh viện đa khoa Ba Vì gây ra sự cố trao nhầm trẻ sơ sinh ngày 01/11/2012.

Nhiều sự việc trao nhầm con đã diễn ra (Ảnh minh họa)

Bệnh viện sẽ phải bồi thường như thế nào?

Trên đây chỉ là một trong số không ít những sự việc trao nhầm con xảy ra trong thời gian qua. Và nguyên nhân để xảy ra những sự nhầm lẫn vô cùng đáng tiếc này hầu như đều là do sự thiếu trách nhiệm của cán bộ y tế.

Trong trường hợp này, bệnh viện sẽ phải bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Theo đó, trước hết, bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho hai gia đình bị trao nhầm con, sau đó, bệnh viện có thể yêu cầu nhân viên y tế (bác sĩ đỡ đẻ, hộ lý, y tá...) có lỗi trong việc này hoàn trả tiền cho bệnh viện theo quy định.

Đáng chú ý, nếu hành vi trao nhầm con của nhân viên y tế là cố ý thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi (Điều 152 Bộ luật Hình sự 2015); mức xử phạt từ 02 năm tù đến 05 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục