Tổng hợp nội dung mới của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại Nghị quyết 549/NQ-UBTVQH14, Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ chính thức được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2019.

Dưới đây, LuatVietnam sẽ tổng hợp một số điểm mới, nổi bật và đáng chú ý của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, dựa vào toàn văn dự thảo được đăng tải công khai trên trang Dự thảo online của Văn phòng Quốc hội.


Tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021

Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi đề ra 02 phương án về tuổi nghỉ hưu của người lao động. Trong đó:

- Phương án 1: Giữ nguyên như Bộ luật Lao động hiện hành là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

- Phương án 2: Từ năm 2021, tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình: cứ mỗi năm tăng thêm 06 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Cũng liên quan đến phương án tăng tuổi nghỉ hưu, tại Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội vừa được ban hành tháng 5 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã đề ra chủ trương điều chỉnh tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 theo hướng tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu.


Người lao động được chấm dứt HĐLĐ không cần lý do

Để tạo cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn cho người lao động và để đề phòng, xóa bỏ lao động cưỡng bức, dự thảo Bộ luật Lao động đề ra phương án cho phép người lao động được quyền chấm dứt hợp đồng lao động bất kể thời điểm nào, không vì lý do gì mà chỉ cần đáp ứng yêu cầu về thời hạn báo trước.

Thời hạn báo trước vẫn là 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn; 30 ngày với hợp đồng có thời hạn và 05 ngày với hợp đồng thời vụ.

Hiện nay, người lao động chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng trong một số trường hợp nhất định như: Không được bố trí đúng công việc, địa điểm làm việc; Không được trả lương đầy đủ; Bị ngược đãi, quấy rối… và phải tuân thủ quy định về thời hạn báo trước.

Xem thêm: 3 lý do người lao động không nên chấm dứt HĐLĐ trái luật

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi: Người lao động được nghỉ việc không cần lý do (Ảnh minh họa)

Tăng tiền lương làm thêm giờ

Tiền lương làm thêm giờ cũng là một nội dung được điều chỉnh trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Theo một phương án được đề xuất trong dự thảo này, người lao động làm thêm giờ được tính lương như sau:

- Vào ngày thường được trả ít nhất bằng 150% cho giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho các giờ tiếp theo

- Vào ngày nghỉ hàng tuần được trả ít nhất 200% cho 02 giờ làm thêm đầu tiên, 300% cho các giờ làm thêm tiếp theo

- Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% cho 02 giờ làm thêm đầu tiên, 400% cho các giờ làm thêm tiếp theo.

Với các tính nêu trên, tiền lương làm thêm giờ của người lao động tăng lên đáng kể so với quy định hiện nay.

Xem thêm: Làm thêm giờ vào ban đêm ngày lễ, Tết tính lương thế nào?


Người lao động cao tuổi được rút ngắn 1 giờ làm việc

Cũng như Bộ luật Lao động hiện hành, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi quy định người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ đuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, dự thảo này đề ra phương án người lao động cao tuổi được rút ngắn 01 giờ làm việc và được hưởng nguyên lương, thay vì quy định chung chung là người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc như hiện nay.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề ra phương án thứ 2 là bỏ hoàn toàn quy định người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc.

Những nội dung trên đây nằm trong dự thảo của Bộ luật Lao động sửa đổi và mới chỉ dừng lại ở đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan. Hiện nay, dự thảo này vẫn đang tiếp tục được lấy ý kiến của nhân dân và sẽ chính thức được trình Quốc hội trong tháng 5/2019. LuatVietnam sẽ theo dõi và cập nhật tới quý khách hàng những thông tin mới nhất về Bộ luật này.

Xem thêm: Bộ luật Lao động 2014: 10 điều người lao động cần biết để bảo vệ quyền lợi

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục