Sắp tới, Quốc hội sẽ họp để quyết định về nhân sự giữ chức danh Chủ tịch nước. Hiện tại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang được Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Vậy trong hệ thống chính trị, Tổng Bí thư và Chủ tịch nước giữ vai trò như thế nào?
Vai trò của Tổng bí thư và Chủ tịch nước
Với Tổng Bí thư
Tổng Bí thư là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, theo Điều 4 Hiến pháp 2013, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
Tổng Bí thư cũng là Bí thư Quân ủy Trung ương; Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Với Chủ tịch nước
Theo Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước giữ vai trò là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Chủ tịch nước giữ nhiệm vụ và quyền hạn như: Công bố Hiến pháp, luật; Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng; Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tặng thưởng huân chương, huy chương, quyết định cho nhập, thôi quốc tịch; Thống lĩnh lực lượng vũ trang; Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của các nước…
Hiện tại, Chủ tịch nước cũng là Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước (Ảnh minh họa)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước được bầu thế nào?
Hiện việc bầu Tổng Bí thư được quy định tại Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu trong số Ủy viên Bộ Chính trị.
Trong khi đó, theo Hiến pháp và Nghị quyết 102/2015/QH13, Chủ tịch nước do Quốc hội bầu dựa trên danh sách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình. Quốc hội sẽ họp để thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước. Việc bầu Chủ tịch nước được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Nếu có quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành so với tổng số đại biểu Quốc hội và được nhiều phiếu tán thành hơn thì trúng cử. Trường hợp nhiều người được số phiếu tán thành ngang nhau và đạt quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành so với tổng số đại biểu Quốc hội thì Quốc hội biểu quyết lại việc bầu trong số những người được số phiếu hợp lệ tán thành ngang nhau.
Sau khi được bầu, Chủ tịch nước phải đứng trước Quốc kỳ tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, Hiến pháp và nội dung khác phù hợp với trách nhiệm được giao. Thời gian tuyên thệ không quá 03 phút.
Theo quy định, Tổng Bí thư và Chủ tịch nước đều có nhiệm kỳ 05 năm. Trong đó, Tổng Bí thư không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Xem thêm:
Tiêu chuẩn đối với Chủ tịch nước
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ quyền Chủ tịch nước
LuatVietnam