Tội cho vay nặng lãi: Những quy định cần biết

Hành vi cho vay vượt quá mức lãi suất tối đa có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lãi suất vay tối đa 20%/năm

Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất trong hợp đồng vay dân sự như sau:

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Như vậy, lãi suất giới hạn trong hợp đồng vay dân sự là không được vượt quá 20%/năm (tức 1,67%/tháng) của khoản tiền vay.

Xem thêm: Tính lãi vay tiền như thế nào?

Những điều cần biết về cho vay nặng lãi (Ảnh minh họa)

Trường hợp nào thì phạm Tội cho vay nặng lãi?

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2 Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo quy định trên, nếu thực hiện hành vi cho vay với lãi suất trên 100%/năm và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở hoặc lên đã bị phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị xử lý hình sự.

Trong đó, tùy mức độ vi phạm, người phạm có thể bị phạt tiền đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 03 năm.

Xem thêm

Những điều cần biết về cho vay nặng lãi (Ảnh minh họa)

Làm sao để kiện người cho vay nặng lãi?

Theo phân tích ở trên, nếu cho vay với số lãi vượt quá 20%/năm thì số lãi vượt quá đó sẽ không có hiệu lực. Do đó, bên vay có thể làm đơn khởi kiện, yêu cầu Tòa án tuyên bố phần lãi suất vượt quá vô hiệu.

Để khởi kiện bên cho vay, người vay phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau:

Đơn khởi kiện;

- Bản sao hợp đồng vay tiền, giấy vay tiền…

- Bản sao chứng thực giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân, sổ hộ khẩu… của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…

- Các tài liệu, chứng cứ khác.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ nêu trên, người khởi kiện có thể nộp đến Tòa án có thẩm quyền thông qua cách nộp trực tiếp tại Tòa, gửi theo đường bưu điện hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Xem thêm: Kiện người cho vay lãi suất “cắt cổ” được không?

Các công ty tài chính cho vay tiêu dùng trên 20%/năm có phạm luật?

Như đã phân tích, lãi suất giới hạn trong hợp đồng vay dân sự là không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tuy quy định này thường chỉ áp dụng với các cá nhân, tổ chức không phải ngân hàng hay tổ chức tín dụng. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng là những đối tượng đặc biệt chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành.

Cụ thể, lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính được quy định tại Điều 9 Thông tư 43, sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 12 Điều 1 Thông tư số 18/2019/TT-NHNN như sau:

1. Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

2. Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.

3.Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung khung lãi suất cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi công ty tài chính đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ báo cáo về khung lãi suất cho vay tiêu dùng theo Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

Pháp luật không có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa của hình thức cho vay tiêu dùng qua các công ty tài chính. Tuy nhiên, lãi suất cho vay tiêu dùng do Công ty tài chính tự điều chỉnh phải được Ngân hàng Nhà nước thông qua và cho phép áp dụng.

Như vậy, mặc dù trên thực tế các công ty tài chính thường cho vay tiêu dùng với lãi suất khá cao, trên mức lãi suất tối đa Bộ luật Dân sự quy định là 20%/năm nhưng điều đó được coi không vi phạm pháp luật.

Trên đây là những điều cần biết về Tội cho vay nặng lãi. Nếu có thêm thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài trực tuyến của LuatVietnam: 1900.6192.

>> Vay tiền qua app: Lãi suất “cắt cổ”, không trả có sao không?
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục