Pháp luật quy định, hộ nghèo sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Vậy thu nhập bao nhiêu một tháng được coi là hộ nghèo?
Thu nhập bao nhiêu một tháng được coi là hộ nghèo?
Hiện nay, chuẩn hộ nghèo đang được áp dụng theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP mà mức thu nhập chỉ là một trong các tiêu chí để xác định hộ nghèo.
Thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn và từ 02 triệu đồng trở xuống ở thành thị và đáp ứng tiêu chí khác thì được xác định là hộ nghèo.
Theo đó, chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025 như sau:
- Tiêu chí xác định hộ nghèo ở nông thôn:
Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên như: Việc làm, người phụ thuộc trong gia đình, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế…
- Tiêu chí xác định hộ nghèo ở thành thị:
Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 02 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên: Việc làm, người phụ thuộc trong gia đình, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế…
Hộ nghèo được hưởng chính sách gì 2023?
Hỗ trợ hộ nghèo là một trong những chính sách cơ bản của Nhà nước. Theo quy định của pháp luật hiện hành, hộ nghèo sẽ được ưu tiên hỗ trợ một số chính sách điển hình như:
- Hỗ trợ về nhà ở:
Hộ nghèo thuộc một trong các trường hợp sau đây có thể được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở theo Thông tư 01/2022/TT-BXD:
Hộ nghèo chưa có nhà ở/nhà ở thuộc loại không bền chắc (trong 03 kết cấu chính là nền - móng, khung - tường, mái thì có ít nhất 02 kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc).
Diện tích nhà ở bình quân đầu người dưới 8m2.
Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội khác.
Theo đó, nhà xây mới được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ; sửa chữa được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ từ ngân sách trung ương.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý thứ tự ưu tiên hỗ trợ nhà ở được Điều 5 Thông tư 01/2022/TT-BXD quy định:
1. Ưu tiên hỗ trợ trước cho các đối tượng theo thứ tự sau đây:
a) Hộ nghèo dân tộc thiểu số;
b) Hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng;
c) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội;
d) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật);
đ) Hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai;
e) Các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại.
2. Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cùng mức độ ưu tiên, việc hỗ trợ được thực hiện theo thứ tự sau:
a) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở hư hỏng, dột nát (làm bằng các vật liệu nhanh hỏng, chất lượng thấp) có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn;
b) Hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở (là hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở riêng, hiện đang ở cùng bố mẹ nhưng đã tách hộ, ở nhờ nhà của người khác, thuê nhà ở - trừ trường hợp được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước);
c) Hộ nghèo, hộ cận nghèo có đông nhân khẩu.
Bên cạnh đó, hộ nghèo còn được hỗ trợ vay vốn xây nhà, cụ thể:
Theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2) và Nghị quyết 71/NQ-CP:
Hộ gia đình thuộc diện nghèo khi có nhu cầu vay vốn, được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở. Lãi suất vay 3%/năm; thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay.
- Hỗ trợ về khám, chữa bệnh:
Hộ nghèo thuộc nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đóng. Tức là, người thuộc hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và được hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến (theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi).
- Hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hằng tháng:
Theo khoản 2 Điều 1 Thông tư 190/2014/TT-BTC quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội về mức hỗ trợ tiền điện cụ thể:
Hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành (1.728 đồng/kWh) là 51.840 đồng/hộ/tháng.
- Hỗ trợ học phí cho con em hộ nghèo:
Theo khoản 4, khoản 12 Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP miễn học phí đối với:
Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha/mẹ/cả cha và mẹ/ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo.
Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha/mẹ/cả cha và mẹ/ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo.
- Hỗ trợ về pháp lý:
Những người thuộc hộ nghèo thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí, tức là được tư vấn, hỗ trợ về pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác (theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017).
Trên đây là giải đáp về thu nhập bao nhiêu một tháng được coi là hộ nghèo, nếu cần thêm thông tin, vui lòng gọi ngay đến số 19006192 để được các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam hỗ trợ miễn phí.