Thủ khoa chăn lợn: Vào biên chế không dễ!

Để trở thành viên chức, người dự tuyển phải đáp ứng đủ yêu cầu về phẩm chất và chuyên môn, đồng thời phải tham gia vào kỳ thi tuyển với 04 bài thi…

Chưa bao giờ từ khóa “thủ khoa nuôi lợn” lại nóng và được nhiều người tìm kiếm như những ngày qua. Tất cả bắt đầu từ câu chuyện của cô gái tên Bùi Thị Hà (Hà Giang), thủ khoa xuất sắc của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, người từng được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), đang ở nhà phụ mẹ nuôi lợn, trồng rau, bán hoa quả vì không tìm được việc làm kể từ khi tốt nghiệp từ tháng 08/2016. Mong ước của Hà là được trở thành một giáo viên dạy văn đúng theo ngành mà cô theo học, tuy nhiên, trong một năm qua, tỉnh Hà Giang không có đợt thi tuyển giáo viên nào. Hình ảnh cô thủ khoa trường sư phạm chăn lợn, trồng rau thay vì cầm phấn đứng trên bục giảng như ước mơ khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ.

Sau khi câu chuyện về nữ thủ khoa chăn lợn được chia sẻ rộng rãi, nhiều người quan tâm đến vấn đề vào biên chế. Quy trình thi tuyển biên chế như thế nào? Tại sao vào biên chế lại là đích đến của rất nhiều cử nhân?

Hình ảnh minh họa
Biên chế được hiểu là số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Theo Luật Viên chức, việc tuyển dụng viên chức vào biên chế được thực hiện thông qua hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Với hình thức thi tuyển, người dự thi phải thực hiện 04 bài thi: Bài thi kiến thức chung; Bài thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành; Bài thi tin học văn phòng và bài thi ngoại ngữ. Để được xét trúng tuyển, người dự thi phải đạt từ 50 điểm trở lên ở mỗi bài thi. Tuy nhiên, người trúng tuyển sẽ là người có kết quả thi cao hơn, lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm (Nghị định số 29/2012/NĐ-CP).

Cũng theo Luật Viên chức, khi đã trúng tuyển viên chức, cá nhân được làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Sau khi thực hiện xong hợp đồng có thời hạn này, cá nhân sẽ làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn. Có thể thấy, việc trở thành viên chức đảm bảo cho cá nhân sự ổn định trong công việc, không lo lắng về việc kết thúc hợp đồng mà bên tuyển dụng không ký tiếp; đồng thời, cá nhân còn được hưởng mọi chế độ về tiền lương, phụ cấp; nghỉ ngơi; khen thưởng… tương ứng với vị trí việc làm theo quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, việc trở thành viên chức chưa bao giờ là dễ dàng, bởi ngoài việc sẽ phải trải qua kỳ thi tuyển gắt gao như trên, cá nhân còn phải chờ đợi địa phương có nhu cầu tuyển dụng. Điều này lại càng khó khăn hơn trong bối cảnh biên chế của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các đơn vị trong ngành giáo dục đang dôi dư và Chính phủ đang chủ trương tinh giản biên chế. Tại Chỉ thị số 02/CT-TTg vừa được ban hành đầu năm nay, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu từ 2017 - 2021, mỗi năm, Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện giảm từ 1,5 - 2% biên chế được giao năm 2015. Các bộ, ngành, địa phương chưa giảm được biên chế sự nghiệp năm 2016 so với biên chế được giao năm 2015 thì năm 2017 phải giảm tối thiểu 3% biên chế…

Để tìm hiểu thêm về những quy định liên quan, bạn đọc tham khảo:

Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức

Thông tư liên tịch 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông công lập

 

 Luật Viên chức của Quốc hội, số 58/2010/QH12

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục