Thời hạn truy tố là bao lâu? Cơ quan nào có thẩm quyền truy tố?

Truy tố là một trong những nội dung quan trọng của tố tụng hình sự, trong đó thời hạn truy tố là vấn đề được nhiều người quan tâm. Vậy, truy tố là gì? Thời hạn truy tố bao lâu?

Thế nào là truy tố? Ai có thẩm quyền ra quyết định truy tố?

Truy tố là một giai đoạn của tố tụng hình sự thực hiện việc đưa người phạm tội ra trước tòa án để tiến hành xét xử. Theo khoản 2 Điều 41 Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện trưởng Viện kiểm sát có quyền ra quyết định truy tố bị can, gia hạn truy tố.

Cụ thể, sau khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố rồi gửi cùng hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát cùng cấp. Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát ra một trong các quyết định:

- Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng; h

- Trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung;

- Đình chỉ hay tạm đình chỉ vụ án hình sự.

Giai đoạn truy tố được bắt đầu từ khi Viện kiểm sát nhận được các tài liệu của vụ án hình sự (bao gồm cả kết luận điều tra và đề nghị truy tố) do Cơ quan điều tra chuyển đến và kết thúc sau khi Viện Kiểm sát đã đưa ra một trong các quyết định nêu trên.

Ngoài ra, theo Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự, thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án.

Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Việc chuyển vụ án cho Viện kiểm sát ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.

Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định việc truy tố.

Truy tố là một trong các giai đoạn của tố tụng hình sự (Ảnh minh họa)

Thời hạn ra quyết định truy tố là bao lâu?

Khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định: Truy tố bị can trước Tòa án; Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án/bị can trong thời hạn sau (kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án):

- 20 ngày: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng;

- 30 ngày: Đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá:

- 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng;

- 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

- 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra một trong các quyết định quy định trên, Viện kiểm sát phải thực hiện các công việc:

- Thông báo cho bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can, bị hại biết việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung;

- Giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can và gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can;

- Thông báo cho bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án cho bị can hoặc người đại diện của bị can có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày.

Trên đây là giải đáp thắc mắc liên quan đến thời hạn truy tố. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục