Thời hạn tạm giam để điều tra là bao lâu? Có được gia hạn không?

Tạm giam là một trong các biện pháp ngăn chặn quan trọng trong đấu tranh, phòng chống tội phạm. Vậy, thời hạn tạm giam để điều tra là bao lâu? Hết thời hạn tạm giam có gia hạn được không?

1. Tạm giam là gì? Thời hạn tạm giam là bao lâu?

Tạm giam là việc cách ly bị can, bị cáo khi có căn cứ khỏi xã hội một thời gian nhất định. Những người bị tạm giam sẽ bị hạn chế một số quyền con người, quyền công dân như quyền tự do thân thể, cư trú, đi lại …

Thời hạn tạm giam để điều tra hiện được quy định tại Điều 173 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Cụ thể:

- Tối đa 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

- Tối đa 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng;

- Tối đa 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Như vậy, tùy thuộc vào loại tội phạm khác nhau mà thời hạn tạm giam để điều tra cũng được quy định khác nhau.

Thời hạn tạm giam để điều tra với mỗi loại tội phạm là khác nhau (Ảnh minh họa)

2. Thời hạn tạm giam trong trường hợp bị can đã bị tạm giữ thế nào?

Về vấn đề này, tại Điều 17 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP đã quy định thời hạn tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam để điều tra. Trong đó:

- Nếu việc tạm giam liên tục với việc tạm giữ thì thời hạn tạm giam được tính tiếp từ ngày hết thời hạn tạm giữ;

- Nếu việc tạm giam không liên tục với việc tạm giữ thì thời hạn tạm giam được tính kể từ ngày bắt bị can để tạm giam cho đến ngày kết thúc được ghi trong lệnh (đã trừ đi số ngày bị tạm giữ).

Thời điểm cuối cùng của thời hạn tạm giam là 24 giờ 00 phút của ngày cuối cùng được ghi trong lệnh. Việc tính thời hạn tạm giữ, tạm giam phải căn cứ vào thời hạn thực tế được ghi trong quyết định tạm giữ, lệnh tạm giam, lệnh bắt bị can để tạm giam và tính liên tục cả ngày nghỉ. Thông tư cũng quy ước  01 tháng tạm giam được tính bằng 30 ngày.

3. Hết thời hạn tạm giam có gia hạn được không?

Khoản 2 Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng nêu rõ, trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.

Số lần và thời hạn gia hạn điều tra như sau:

Loại tội phạm

Số lần gia hạn

Thời gian gia hạn

Tội phạm ít nghiêm trọng

01 lần

Tối đa 01 tháng

Tội phạm nghiêm trọng

01 lần

Tối đa 02 tháng

Tội phạm rất nghiêm trọng

01 lần

Mỗi lần tối đa 03 tháng

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

02 lần

Mỗi lần tối đa 04 tháng

4. Cơ quan nào có thẩm quyền gia hạn tạm giam để diều tra?

Theo khoản 3 Điều 173 Bộ luật Tố tụng hình sự, thẩm quyền gia hạn tạm giam của Viện kiểm sát, cụ thể:

- Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực: Gia hạn tạm giam với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng.

- Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu:

+ Gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý điều tra;

+ Gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

- Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu: Gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nếu thời hạn gia hạn tạm giam lần thứ nhất đã hết mà chưa thể kết thúc việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam.

Trên đây là giải đáp về Thời hạn tạm giam để điều tra. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục