Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Thời hạn bảo hộ đối với bí mật kinh doanh là bao lâu?
Hình thức bảo hộ bí mật kinh doanh
Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó (điểm c khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
Theo đó, bí mật kinh doanh có thể được bảo hộ dưới 02 hình thức:
Thứ nhất, bảo hộ tự động, không cần đăng ký
Để được mặc nhiên bảo hộ bởi quy định của pháp luật, bí mật kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện nêu tại Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ như sau:
- Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
- Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
- Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Bên cạnh đó, bí mật kinh doanh không được rơi vào các trường hợp không bảo hộ tại Điều 85 Luật này gồm: Bí mật về nhân thân; Bí mật về quản lý Nhà nước; Bí mật về quốc phòng, an ninh; Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.
Thứ hai, bảo hộ thông qua đăng ký sáng chế
Để được bảo hộ là sáng chế thì bí mật kinh doanh đó phải đáp ứng được tất cả các điều kiện để được xem là một sáng chế quy định tại Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ:
- Có tính mới;
- Có trình độ sáng tạo;
- Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Xem thêm: 3 điều kiện bảo hộ sáng chế cần biết để được cấp văn bằng
Thời hạn bảo hộ đối với bí mật kinh doanh (Ảnh minh họa)
Thời hạn bảo hộ bí mật kinh doanh
Tùy thuộc vào hình thức bảo hộ mà thời hạn bảo hộ đối với bí mật kinh doanh là khác nhau.
Trường hợp bảo hộ tự động, bí mật kinh doanh được bảo hộ vô thời hạn cho đến khi bị công khai.
Trường hợp bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế thì thời hạn bảo hộ của bí mật kinh doanh là 20 năm, kể từ ngày nộp đơn và nếu hết khoảng thời gian này thì bí mật kinh doanh, dưới danh nghĩa là sáng chế sẽ được công bố công khai.
Do đó, hạn chế của cách làm này là sau khoản thời hạn trên, doanh nghiệp không thể nắm được lợi thế kinh doanh, cạnh tranh của mình trên thị trường nữa.
Đương nhiên, việc bảo hộ bí mật kinh doanh dưới hình thức nào thì cũng đều có ưu, nhược điểm, lựa chọn hình thức nào là do doanh nghiệp cân nhắc và quyết định.
Trên đây là quy định về thời hạn bảo hộ đối với bí mật kinh doanh. Nếu còn vướng mắc, bạn đọc liên hệ: 1900 6192 để được hỗ trợ, giải đáp.