Thành viên hội đồng xét xử vụ án hình sự gồm những ai?

Trong mỗi vụ án, hội đồng xét xử là những người có vai trò vô cùng quan trọng và không thể thiếu. Vậy thành viên hội đồng xét xử vụ án hình sự gồm những ai?

Hội đồng xét xử sơ thẩm

Khoản 1 Điều 254 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:

Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.

Theo quy định trên, với phiên tòa xét xử sơ thẩm, hội đồng xét xử sẽ có từ 01 đến 02 thẩm phán và từ 02 đến 03 hội thẩm tùy theo mức độ phức tạp của vụ án.

- Với các vụ án thông thường, không quá phức tạp, hội đồng xét xử sẽ gồm 01 thẩm phán và 02 hội thẩm.

- Với các vụ án có tính chất phức tạp như sau sẽ có thể có (không bắt buộc) 02 thẩm phán và 03 hội thẩm:

+ Vụ án có tính chất phức tạp do có nhiều bị cáọ, nhiều người bị hại, nhiều người làm chứng, nhiều chứng cứ phải xem xét, phải xét xử trong nhiều ngày.

+ Vụ án có liên quan đến chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo nên cần có thêm hội thẩm nhân dân là những người trong dân tộc, trong tôn giáo.

Cũng theo khoản 1 Điều 254, đối với vụ án có bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì hội đồng xét xử sơ thẩm gồm 02 thẩm phán và 03 hội thẩm.

Theo Điều 46 Bộ luật Tố tụng hình sự, hội thẩm được phân công xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có nhiệm vụ, quyền hạn:

- Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa;

- Tiến hành xét xử vụ án;

- Tiến hành hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử.

Đồng thời, hội thẩm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

Ngoài thành phần hội đông xét xử chính thức, tại phiên tòa còn có thể có thẩm phán và hội thẩm dự khuyết để thay thế thẩm phán hay hội thẩm khi cần thiết.

Lưu ý: Trường hợp xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn thì không có sự tham gia của hội thẩm và sẽ do 01 thẩm phán tiến hành xét xử (căn cứ Điều 22, 463 Bộ luật Tố tụng hình sự).

Thành viên hội đồng xét xử vụ án hình sự gồm những ai? (Ảnh minh họa)

Hội đồng xét xử phúc thẩm    

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 254 Bộ luật Tố tụng hình sự, hội đồng xét xử phúc thẩm gồm 03 Thẩm phán.

Các trường hợp thay đổi thẩm phán, hội thẩm

Căn cứ Điều 49, 53 Bộ luật Tố tụng hình sự, thẩm phán, hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

- Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

- Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;

- Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

- Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau;

- Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.

Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm trước khi mở phiên tòa do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án được phân công giải quyết vụ án quyết định.

Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì do Chánh án Tòa án trên một cấp quyết định.

Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định trước khi bắt đầu xét hỏi bằng cách biểu quyết tại phòng nghị án. Khi xem xét thay đổi thành viên nào thì thành viên đó được trình bày ý kiến của mình, Hội đồng quyết định theo đa số.

Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa.

Trên đây là các quy định về: Thành viên hội đồng xét xử vụ án hình sự gồm những ai? Nếu có thắc mắc về vấn đề khác, độc giả vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

>> Đang bị tạm giữ, tạm giam có được gặp người thân?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục