Nhiều trường hợp người dân đang thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng để vay tiền nhưng lại có nhu cầu cho thuê, tặng cho một phần hoặc toàn bộ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho người thân. Vậy pháp luật có cho phép điều này không?
Quyền bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp
Thế chấp là 1 trong 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Điều 317 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
Quyền của bên thế chấp được quy định chi tiết tại Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, bên thế chấp được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
Đồng thời, bên thế chấp được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.
Tóm lại, người dân đang thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng vẫn được quyền bán, trao đổi, tặng cho một phần hoặc toàn bộ nhà, đất đó nếu được sự đồng ý của ngân hàng. Trường hợp cho thuê, cho mượn nhà, đất đang thế chấp, bên thế chấp phải thông báo cho ngân hàng và bên thuê, bên mượn biết.
Pháp luật vẫn cho phép tặng cho nhà đất đang thế chấp ngân hàng (Ảnh minh họa)
Bán, tặng cho nhà, đất đang thế chấp vẫn khó, vì sao?
Theo quy định, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản (khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013).
Căn cứ Điều 40, Điều 41 và Điều 42 Luật Công chứng năm 2014, Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP và thực tế thì khi công chứng giao dịch, hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất thì phải cung cấp được bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kèm theo bản gốc để đối chiếu.
Nhưng tại Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 3 quy định: Bên thế chấp được nhận lại giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
Như vậy, để được bán, tặng cho nhà, đất đang thế chấp thì phải được sự đồng ý của ngân hàng về việc thực hiện giao dịch, được ngân hàng giao lại sổ đỏ. Trên thực tế, vấn đề này rất khó khăn vì thông thường các ngân hàng sẽ tự bảo vệ chặt chẽ các quyền của mình và không có nghĩa vụ giao lại sổ đỏ cho bên thế chấp khi chưa trả hết tiền vay.
Xem thêm:
“Mất oan” tiền thuế TNCN khi bán nhà vì không biết điều này!
Mua đất không có Sổ đỏ, rước 1001 nỗi lo
Nhà đất hiện nay đang “gánh” bao nhiêu loại thuế, phí?
Luật Kinh doanh bất động sản: Những quy định nổi bật
LuatVietnam