Tạm giữ áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang… Tạm giam áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng...
Tạm giữ và tạm giam là hai khái niệm quen thuộc trong luật nói riêng và trong cuộc sống nói chung. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu và phân biệt được chính xác hai khái niệm này. Trên thực tế, một số người, thậm chí là trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc sử dụng hai khái niệm này đôi khi vẫn gây ra nhầm lẫn.
Tạm giữ và tạm giam khác nhau như thế nào? (Ảnh minh họa)
Trong phạm vi bài viết này, LuatVietnam sẽ giúp các bạn tìm ra điểm giống và khác nhau của hai khái niệm “tạm giữ” và “tạm giam”.
Theo đó, tạm giữ và tạm giam là hai biện pháp ngăn chặn được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, tạm giữ và tạm giam có nhiều điểm khác nhau:
Đối tượng áp dụng
Điều 117 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định, tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
Trong khi đó, tạm giam áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng trong một số trường hợp nhất định (Điều 119).
Thẩm quyền ra quyết định
Người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…; Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
Trong khi đó, người có thẩm quyền ra quyết định tạm giam có: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
Tạm giữ áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Tạm giam áp dụng đối với bị can, bị cáo...
Thời hạn tạm giữ, tạm giam
- Tạm giữ: Không quá 03 ngày. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.
- Tạm giam: Không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; Không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng; Không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Bạn đọc có thể xem thêm các tin liên quan tại đây:
Hiếp dâm và cưỡng dâm khác nhau như thế nào?
Phân biệt Tội cướp tài sản và Tội cướp giật tài sản
Những trường hợp bị tạm giam, tạm giữ theo quy định mới