Trường hợp nào ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự

Trong một số trường hợp nhất định, pháp luật quy định phải tạm đình chỉ điều tra vụ án. Vậy, tạm đình chỉ vụ án là gì? Trường hợp nào phải tạm đình chỉ vụ án?

1. Tạm đình chỉ điều tra là gì? Phân biệt với đình chỉ điều tra

Tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự là việc cơ quan điều tra tạm dừng quá trình điều tra vụ án, điều tra bị can khi thuộc một trong các trường hợp phải tạm đình chỉ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trên thực tế, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa hai khái niệm là đình chỉ vụ án và tạm đình chỉ vụ án. Dưới đây là một số điểm khác biệt nổi bật giữa đình chỉ vụ án và tạm đình chỉ vụ án:

Tiêu chí

Đình chỉ vụ án

Tạm đình chỉ vụ án

Căn cứ pháp lý

Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi năm 2021

Trường hợp áp dụng

Thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự:

- Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự;

- Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự

Hậu quả pháp lý

Làm chấm dứt hoạt động tố tụng đối với vụ án

Tạm thời chấm dứt hoạt động tố tụng cho đến khi có quyết định phục hồi điều tra

Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra:

- Nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ: Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền;

- Nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ: Hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra;

- Nếu thấy đủ căn cứ để truy tố: Hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố theo thời hạn, trình tự, thủ tục quy định.

Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, Cơ quan điều tra tiến hành:

- Gửi quyết định cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can;

- Thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền lợi của họ.

2. Trường hợp nào phải tạm đình chỉ điều tra vụ án?

Khoản 1 Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi 2021 quy định rõ cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:

- Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án.

Theo đó, trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra;

- Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết thời hạn điều tra;

- Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn điều tra.

Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.

- Khi không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra.

Đối với trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

Có 04 trường hợp ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự (Ảnh minh họa)

3. Thời hiệu đối với vụ án đang tạm đình chỉ điều tra để làm căn cứ đình chỉ điều tra

Theo quy định tại khoản 1 Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự, một trong những căn cứ đình chỉ điều tra là
khi đã hết thời hạn điều tra vụ án hình sự mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Bên cạnh đó, việc tạm đình chỉ điều tra được Cơ quan điều tra quyết định khi thuộc một trong các trường hợp đã nêu trên. Đồng thời theo khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính như sau:

- 05 năm: Tội phạm ít nghiêm trọng;

- 10 năm: Tội phạm nghiêm trọng;

- 15 năm: Tội phạm rất nghiêm trọng;

- 20 năm: Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Khoản 3 Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trong thời hạn nêu trên, đối với trường hợp người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, có thể xác định việc áp dụng thời hiệu đối với vụ án bị tạm đình chỉ điều tra được thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đối với trường hợp tạm đình chỉ điều tra nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra.

Trên đây là giải đáp về vấn đề liên quan đến Tạm đình chỉ điều tra. Nếu còn vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được LuatVietnam hỗ trợ cụ thể.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục