Nhiều khách hàng đang bối rối khi phát hiện có số lạ đăng ký thông tin thuê bao của mình. Vậy nếu gặp phải trường hợp này, người dân phải làm sao?
1. Số lạ đăng ký thông tin thuê bao của mình, phải làm sao?
Có thể thấy, sau chiến dịch rà soát thông tin thuê bao di động, nhiều thông tin thuê bao đã được cập nhật thông tin để trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư. Tuy nhiên, điều này cũng không thể đảm bảo sẽ không còn số lạ đăng ký thông tin thuê bao của mình.
Do đó, trong trường hợp điều này xảy ra, khách hàng cần trực tiếp đến nhà mạng để thực hiện hủy số đã đăng ký. Bởi thực tế, khi liên hệ với tổng đài của nhà mạng thì tổng đài sẽ trả lời là không thể hủy ngay, cần thêm thời gian để xử lý và sẽ được đề nghị qua phòng giao dịch để được hỗ trợ.
Khách hàng có thể mang Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc Căn cước công dân (CCCD) hoặc hộ chiếu hoặc tài khoản VNeID... đến điểm giao dịch của nhà mạng để yêu cầu hủy thông tin của mình trên số điện thoại của người khác, đồng thời xác nhận số điện thoại của mình là số chính chủ theo Điều 17 Nghị định 163/2024/NĐ-CP).
Trong trường hợp này, những số điện thoại lạ sẽ bị xóa thông tin thuê bao và nhận được thông báo bổ sung thông tin của từng nhà mạng.
2. Lợi ích của việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động
Khi sim điện thoại đã được đăng ký thông tin chính chủ thì mỗi số điện thoại sẽ được xác định chính xác, cụ thể cá nhân chủ sở hữu. Theo đó, lợi ích của việc chuẩn hóa thông tin thuê bao gồm:
- Hạn chế lừa đảo, quấy rối: Khi thông tin thuê bao đã được đăng ký chính chủ thì các hành vi lừa đảo, quấy rối sẽ không thể ngang nhiên thực hiện bởi khi đó, cơ quan nhà nước hoàn toàn dễ dàng tra soát, kiểm tra được thông tin của người lừa đảo, quấy rối.
Đồng thời, từ 27/10/2023, các số điện thoại hay gọi điện hoặc nhắn tin cho khách hàng của các nhà mạng sẽ được định danh gắn tên nhà mạng nhằm chống lừa đảo online, cụ thể:
- Hiển thị tên định danh BO TTTT: Nếu cuộc gọi gọi đến người dân là của các đơn vị thuộc Bộ gồm ăn phòng bộ, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số vô tuyến điện.
- Hiển thị tên định danh là các nhà mạng: Cuộc gọi xuất phát từ các doanh nghiệp viễn thông.
- Sử dụng đồng bộ và dễ dàng khi đăng nhập vào các Cơ sở dữ liệu quốc gia và tài khoản định danh điện tử. Khi đã xác định thông tin chính chủ, việc cập nhật, đăng nhập, sử dụng các tiện ích số sẽ thực hiện dễ dàng hơn bởi VNeID hay Cơ sở dữ liệu quốc gia đều yêu cầu có thông tin số điện thoại chính chủ.
- Các thuê bao di động nếu không chuẩn hóa trước 31/3/2023 sẽ bị khóa một chiều và sẽ bị khóa hai chiều nếu không chuẩn hóa trước ngày 15/4/2023 theo Quyết định 06/QĐ-TTg.
Sau ngày 24/12/2024, theo Điều 20 Nghị định 136/2024/NĐ-CP, các nhà mạng chỉ cung cấp dịch vụ viễn thông khi đồng thời đáp ứng 02 điều kiện sau đây:
- Thuê bao đã hoàn thành đăng ký thông tin gồm: Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu hoặc số định danh điện tử, ảnh chân dung...
- Nhà mạng đã hoàn thành việc xác thực, lưu giữ thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác.
Trước đó, trước ngày 24/12/2024, theo Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP (hiện đã hết hiệu lực), khách hàng sử dụng điện thoại phải cung cấp thông tin chính xác về họ tên, Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp… và phải đăng ký thông tin chính chủ với nhà mạng.
Sau ngày 15/4/2023 vừa rồi, theo thông tin nếu khách hàng vẫn chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin chính chủ thì có thể bị thu hồi sim đó về kho số của các nhà mạng.
3. Cách kiểm tra CMND đã đăng ký bao nhiêu số điện thoại?
Để kiểm tra số CMND của mình có phải đã được dùng để đăng ký cho các số điện thoại khác hay không, có thể thực hiện như sau:
- Nếu dùng mạng Viettel, soạn tin theo cú pháp: CMT gửi 195
- Nếu dùng mạng Vinaphone, gọi đến tổng đài 9191 (cước phí 200 đồng/phút với thuê bao trả trước và miễn phí với thuê bao trả sau) hoặc 1800 1091, làm theo hướng dẫn (miễn phí cước gọi 100%).
- Nếu dùng mạng Mobifone, gọi đến tổng đài 9090, chọn nhánh số 1, sau đó chọn tiếp nhánh số 4 để được điện thoại viên giải đáp.
Tuy nhiên, những cách này chỉ thực hiện nếu số điện thoại của bạn có cùng mạng. Với số điện thoại khác mạng hoặc muốn hủy thông tin thuê bao thì bắt buộc phải đến trực tiếp điểm giao dịch của các nhà mạng và làm theo hướng dẫn.
Khi đi, người có yêu cầu cần phải mang theo CMND/CCCD hoặc thẻ Căn cước hoặc tài khoản VNeID để giao dịch viên kiểm tra, đối chiếu và thực hiện hủy thông tin cho mình.
4. Dùng CMND của người khác để đăng ký thuê bao bị phạt thế nào?
Việc dùng thông tin cá nhân (giấy CMND/CCCD…) của người khác để đăng ký sim chính là hành vi giả mạo, sử dụng giấy tờ tùy thân của người khác để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao.
Với các trường hợp này, căn cứ khoản 1 Điều 33 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, các số thuê bao này sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 10 - 12 tháng.
Hiện nay, chưa có mức phạt trong lĩnh vực viễn thông với người sử dụng thông tin của người khác để đăng ký sim nhưng trường hợp này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về việc cấp, quản lý, sử dụng CMND, CCCD.
Cụ thể, người dùng số CMND, CCCD hoặc thẻ Căn cước của người khác để đăng ký thông tin cho mình có thể bị xử phạt từ 01 - 02 triệu đồng về hành vi nêu tại Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:
a) Chiếm đoạt, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân của người khác;
Đồng thời, người bán sim thực hiện hòa mạng cho SIM đã được hòa mạng sẵn, sim đã đăng ký thông tin có sẵn thì theo điểm b khoản 15 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng.
Trên đây là thông tin giải đáp cho vấn đề: Số lạ đăng ký thông tin thuê bao của mình thì phải làm sao? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp.