Nội dung này nằm trong dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Tài chính.
Dịch vụ xác minh nhân thân 10.000 đồng/bản
Tại dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung dịch vụ xác minh nhân thân với mức giá 10.000 đồng/bản, bên cạnh phí khai thác dữ liệu tổng hợp dân cư và phí khai thác dữ liệu chi tiết dân cư.
Theo giải thích của Bộ Tài chính, việc cung cấp dịch vụ xác minh nhân thân là phù hợp với quy định của Luật Căn cước công dân 2014. Điều 10 của Luật này cho phép tổ chức và cá nhân được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý.
Trong khi đó, Điều 15 của Luật quy định có 15 loại thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm: Họ tên; Ngày tháng năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh, quê quán; Tình trạng hôn nhân; Nơi thường trú…
Bộ Tài chính đề xuất thu phí xác minh nhân thân 10.000 đồng/bản (Ảnh minh họa)
Không phải ai cũng có quyền sử dụng dịch vụ
Khi dự thảo Thông tư nêu trên được công bố, nhiều người hiểu rằng bất cứ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể khai thác những thông tin cơ bản của người khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với mức phí nộp trong cơ quan Nhà nước là 10.000 đồng/bản.
Từ đó, nhiều người bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về việc thông tin cá nhân của mình có thể được cung cấp dễ dàng cho người khác, quyền bí mật riêng tư không còn được đảm bảo.
Tuy nhiên, cách hiểu trên là không đúng. Thực tế, việc thu phí xác minh nhân thân chỉ áp dụng cho những tổ chức như doanh nghiệp, ngân hàng, công chứng… Khi có nhu cầu xác minh nhân thân, các tổ chức này phải viết phiếu đề nghị gửi cho cơ quan công an xem xét, quyết định. Đặc biệt, chỉ được đề nghị xác minh thông tin cơ bản của công dân là đúng hay sai, không phải tiếp cận toàn thông tin nhân thân của công dân.
LuatVietnam