Scan có phải là hình thức sao chép tác phẩm?

Photo, chụp ảnh, scan giáo trình, sách, báo… không phải là việc xa lạ trong đời sống thường ngày. Dưới góc độ pháp lý, các hoạt động này nói chung, scan nói riêng có phải là hình thức sao chép tác phẩm không?

Scan có được xem là sao chép tác phẩm?

Scan là việc chuyển các dữ liệu trên giấy tờ, tài liệu, hình ảnh trên giấy thành dữ liệu, hình ảnh, file lưu trữ trên máy tính, điện thoại thông qua một chiếc máy scan, máy in có tính năng scan hoặc qua ứng dụng scan trên điện thoại thông minh.

Đối chiếu với quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 3 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, bản gốc, bản sao của tác phẩm được định nghĩa như sau:

4. Bản gốc tác phẩm là bản được tồn tại dưới dạng vật chất mà trên đó việc sáng tạo tác phẩm được định hình lần đầu tiên.

5. Bản sao của tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

Đồng thời, khoản 10 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2009 nêu rõ, sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử.

Căn cứ các quy định trên, việc scan thực chất là đang tạo ra một bản sao của tác phẩm gốc, đây cũng được xem là hành vi sao chép tác phẩm.

Scan có phải là hình thức sao chép tác phẩm? (Ảnh minh họa)

Scan tác phẩm có phải xin phép tác giả không?

Tác giả có quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm. Mà quyền sao chép tác phẩm là một trong những quyền tài sản do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện được liệt kê tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005:

- Làm tác phẩm phái sinh

- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

- Sao chép tác phẩm;

- Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

- Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Mọi tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền trên phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi vi phạm bản quyền tác giả (khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ).

Tuy nhiên, có một số trường hợp sao chép tác phẩm mà không phải xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả. Cụ thể được quy định tại điểm a, đ khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ gồm:

- Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;

- Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu.

Lưu ý: Không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính.

Khi sao chép tác phẩm phải tôn trọng tác giả và quyền tác giả; việc tác phẩm khi được sử dụng phải được ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và thông tin tác giả.

Như vậy, scan là một trong những hình thức sao chép tác phẩm và tùy vào mục đích sao chép, tổ chức cá nhân phải xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả hoặc không cần.

Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc liên hệ: 1900 6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Photo sách có vi phạm bản quyền không?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục