Sau đám cưới bao lâu phải đăng ký kết hôn?


Đám cưới là sự kiện trọng đại trong cuộc đời của mỗi người. Thế nhưng, để xác lập quan hệ hôn nhân, hai người còn phải đăng ký kết hôn. Vậy, pháp luật quy định sau đám cưới bao lâu phải đăng ký kết hôn?

1. Sau đám cưới bao lâu phải đăng ký kết hôn?

Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật không đề cập đến việc tổ chức đám cưới để công nhận vợ chồng mà chỉ công nhận việc kết hôn sau khi đã đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo khoản 1 Điều 9 của Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13.

Đồng thời, đám cưới là một thủ tục mang tính tập quán, tổ chức đám cưới để thông báo với họ hàng, làng xóm, bạn bè, người thân… về việc hai người nam nữ sẽ trở thành vợ chồng.

Do đó, không có quy định sau đám cưới bao lâu phải đăng ký kết hôn.

Tuy nhiên, Nhà nước chỉ công nhận quan hệ vợ chồng hợp pháp khi nam nữ đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện hoặc Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp… tùy vào từng trường hợp) và đáp ứng các điều kiện đăng ký kết hôn tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 gồm:

  • Nam từ đủ 20 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
  • Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
  • Hai bên không bị mất năng lực hành vi dân sự;
  • Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định…

Như vậy, pháp luật hiện hành không yêu cầu phải đăng ký kết hôn trước khi cưới, cũng như không quy định sau cưới bao lâu phải làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Tuy nhiên, thực tế, vợ chồng nên đăng ký kết hôn sớm trước khi sinh con. Bởi theo yêu cầu của Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khi làm giấy khai sinh cho con, cha mẹ phải xuất trình Giấy đăng ký kết hôn.

Pháp luật không yêu cầu phải đăng ký kết hôn trước khi cưới (Ảnh minh họa)

2. Cưới mà không đăng ký, hôn nhân có được công nhận không?

Khoản 1 Đều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

Điều này có nghĩa là, nếu nam nữ chỉ làm đám cưới và chung sống với nhau thì không hôn nhân không được pháp luật công nhận, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ chồng.

Đây được coi là tình trạng nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Quan hệ tài sản trong trường hợp không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận, thì giải quyết theo Bộ luật Dân sự, nhưng vẫn phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người phụ nữ và cửa con.

Trong trường hợp không đăng ký kết hôn, cha mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ đối với con cái theo quy định của chương V Luật Hôn nhân và Gia đình.

3. Trường hợp nào cưới mà không đăng ký kết hôn sẽ bị phạt?

Hiện nay, pháp luật không cấm và không xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tổ chức đám cưới mà không đăng ký kết hôn. Nhà nước cũng không công nhận quan hệ hôn nhân giữa nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng.

Tuy nhiên, nếu việc sống chung với nhau như vợ chồng thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì có thể bị phạt theo quy định tại Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP như sau:

Mức phạt

Hành vi

03 - 05 triệu đồng

- Đang có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.

- Chưa có vợ/chồng mà chung sống như vợ chồng với người biết rõ đang có chồng/vợ.

- Chung sống như vợ chồng với người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

10 - 20 triệu đồng

- Chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ.

- Chung sống như vợ chồng với người có họ trong phạm vi 03 đời.

- Chung sống như vợ chồng với người đang là cha mẹ nuôi với con nuôi.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về vấn đề: Sau đám cưới bao lâu phải đăng ký kết hôn? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục