Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Theo đó, sao chép là gì và trường hợp nào sao chép tác phẩm được coi là hợp pháp.
Sao chép là gì theo quy định mới nhất?
Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử (khoản 10 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi 2009).
Đối với tác phẩm chưa được công bố thì chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện sao chép tác phẩm. Trong trường hợp này chỉ có chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép mới được sao chép tác phẩm.
Đối với tác phẩm đã được công bố, các tổ chức, cá nhân khác muốn sao chép thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cùng các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
Sao chép là gì? Trường hợp sao chép tác phẩm hợp pháp (Ảnh minh họa)
Trường hợp sao chép tác phẩm hợp pháp
Tuy nhiên, pháp luật vẫn quy định một số trường hợp ngoại lệ tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ đối với việc sao chép tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao gồm:
- Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân.
- Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu
Đồng thời, Nghị định 22/2018/NĐ-CP cũng hướng dẫn:
- Tự sao chép một bản áp dụng đối với các trường hợp nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân không nhằm mục đích thương mại.
- Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu là việc sao chép không quá một bản. Thư viện không được sao chép và phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số.
Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc không thuộc các trường hợp nêu trên là hành vi xâm phạm quyền tác giả (khoản 6 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ).
Tùy tính chất, mức độ hành vi xâm phạm mà các chủ thể thực hiện hành vi có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Xử phạt hành chính
Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 15 – 35 triệu đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Đồng thời, buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi trên.
Xử lý hình sự
Trường hợp sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình thu lợi bất chính thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Cụ thể:
Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình […]
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.