Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là việc người lao động hoặc người sử dụng lao động ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, người lao động được hưởng quyền lợi gì?
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động gồm 02 trường hợp: Người lao động hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định. Cụ thể:
Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động 10/2012/QH13, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong 07 trường hợp sau đây:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
- Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
- Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;
- Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động…
Theo khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau:
- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
- Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc…
Quyền lợi người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng (Ảnh minh họa)
Đơn phương chấm dứt hợp đồng người lao động được hưởng gì?
Được hưởng trợ cấp thôi việc:
Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Trả lại sổ bảo hiểm xã hội:
Theo khoản 3 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012, khi chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
Hưởng trợ cấp thất nghiệp:
Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định rõ: Người lao động có quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và có đủ các điều kiện sau:
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ:
+ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp: Hợp đồng lao động có xác định và không xác định thời hạn
+ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp: Ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng
- Đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ một số trường hợp như: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù…
Xem thêm:
Mẫu Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động và thông tin liên quan
Tự ý chấm dứt hợp đồng thử việc có được trả lương?
9 trường hợp không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Quấy rối nơi công sở: Làm thế nào để đối phó?
Khắc Niệm