Quyền lợi của người lao động khi Công ty cắt giảm nhân sự

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, có những tình huống xảy ra khiến người sử dụng lao động đi đến quyết định cắt giảm nhân sự. Vậy quyền lợi của người lao động khi Công ty cắt giảm nhân sự gồm những gì.

Cắt giảm nhân sự do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế

Trường hợp cắt giảm nhân sự do thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất hoặc vì lý do kinh tế được quy định cụ thể tại Điều 44 Bộ luật lao động năm 2012 và Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Theo đó, việc thay đổi cơ cấu, công nghệ gồm các trường hợp sau đây:

- Thay đổi cơ cấu tổ chức (bao gồm nhưng không hạn chế ở việc tổ chức thành lập mới, sáp nhập, giải thể một hoặc nhiều bộ phận của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức…);

- Tổ chức lại lao động (sắp xếp lại lao động nhằm tăng hiệu quả, năng suất lao động…);

- Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm (chuyển đổi mặt hàng, sản phẩm hoàn chỉnh, bán thành phẩm…);

- Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động (việc thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất… có thể do thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm).

Những lý do kinh tế dẫn đến việc cho người lao động thôi việc phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế (đây là lý do đòi hỏi phải có sự chứng minh và đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế);

- Thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.

Quyền lợi của người lao động khi Công ty cắt giảm nhân sự
Quyền lợi của người lao động khi Công ty cắt giảm nhân sự (Ảnh minh họa)

Quyền lợi của người lao động khi Công ty cắt giảm nhân sự

Điều 45 Bộ luật Lao động 2012 quy định người sử dụng lao động có nghĩa vụ chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.

Cụ thể:

Người sử dụng lao động phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên. Mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương.

Tức là nếu người lao động chỉ mới làm việc cho người sử dụng lao động 1 năm thì trợ cấp mất việc mà người này nhận được vẫn là 02 tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc = Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động – Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp – Thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.

Thời hạn thanh toán: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

Lưu ý:

Thời gian để tính trợ cấp mất việc là theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.

Xem thêm: Bộ luật Lao động: 10 Điều người lao động phải biết

LuatVietnam

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục