Quá hạn tạm giữ, không đến nhận xe có sao không?

Khi vi phạm các quy định về an toàn giao thông, ngoài việc bị xử phạt hành chính, người vi phạm còn có thể bị tạm giữ phương tiện trong nhiều trường hợp. Vậy quá hạn tạm giữ mà không đến nhận xe có sao không?

Câu hỏi: Em có vấn đề này xin nhờ LuatVietnam tư vấn giúp:
Em bị Cảnh sát giao thông tạm giữ xe máy vì không có bằng, quá hạn lấy xe mà em mới đến lấy thì có sao không?

LuatVietnam xin trả lời bạn như sau:

Quá hạn tạm giữ mà không đến nhận xe có thể bị tịch thu

Theo khoản 2 Điều 11 Nghị định 115/2013/NĐ-CP, cá nhân có phương tiện bị tạm giữ có nghĩa vụ nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo đúng thời hạn ghi trong quyết định tạm giữ.

Trong đó, thời gian tạm giữ đối với phương tiện thường là 07 ngày (theo Điều 82 Nghị định 100/2019NĐ-CP).

Do đó, bạn phải đến nhận xe theo đúng thời hạn được quy định. Nếu quá thời hạn này mà không đến lấy xe, xe máy của bạn có thể bị xử lý theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 31/2020/NĐ-CP như sau:

- Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ;

- Hết 30 ngày, kể từ ngày niêm yết công khai, thông báo cuối cùng trên phương tiện thông tin đại chúng, nếu người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy của pháp luật.

Sau khi bị ra quyết định tịch thu, phương tiện được xác lập quyền sở hữu toàn dân và bị xử lý theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản liên quan.

Như vậy, nếu sau 33 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ mà bạn không đến nhận lại xe bị tạm giữ, phương tiện sẽ bị tịch thu. Đồng nghĩa rằng, bạn sẽ không còn là chủ sở hữu của chiếc xe đó nữa. Thay vào đó, nó sẽ thuộc sở hữu toàn dân và được xử lý theo quy định pháp luật.

Xem thêm: Thời hạn tạm giữ xe tối đa là bao nhiêu ngày?

qua han tam giu ma khong den nhan xe

Quá hạn tạm giữ mà không đến nhận xe có sao không? (Ảnh minh họa)


Nếu lỡ quá hạn, cần đến nhận xe ngay để không bị tịch thu

Như đã phân tích ở trên, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ xe, bạn vẫn còn thời gian 33 ngày để bạn có thể đến nhận lại xe để không bị người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu.

Thủ tục nhận lại phương tiện bị tạm giữ được thực hiện theo khoản 7 Điều 1 Nghị định 31/2020/NĐ-CP. Theo đó, việc trả lại phương tiện chỉ được thực hiện khi có Quyết định trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ bằng văn bản của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.

Để có quyết định này, bạn phải tiến hành nộp phạt vi phạm giao thông trước. Sau đó, để nhận lại xe, bạn cần chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ sau đem đến nơi xe bị tạm giữ:

- Quyết định trả lại phương tiện bị tạm giữ;

- Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân;

- Văn bản ủy quyền (trường hợp ủy quyền cho người khác đến nhận xe).

Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ, người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản phương tiện sẽ trả lại phương tiện theo trình tự như sau:

Bước 1: Kiểm tra quyết định trả lại phương tiện; kiểm tra thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân của người đến nhận.

Bước 2: Yêu cầu người đến nhận lại phương tiện đối chiếu với biên bản tạm giữ để kiểm tra về chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, đặc điểm, hiện trạng của phương tiện bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của cán bộ quản lý.

Bước 3: Lập biên bản bàn giao phương tiện bị tạm giữ, trả lại xe cho chủ phương tiện.

Đặc biệt, bạn còn phải trả chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản phương tiện trong thời gian xe bị tạm giữ.

Nói tóm lại: Quá hạn tạm giữ xe, bạn vẫn có thể đến nhận lại xe nhưng nếu quá 33 ngày, xe của bạn có thể bị tịch thu và xử lý theo quy định.

Trên đây là giải đáp về vấn đề quá hạn tạm giữ mà không đến nhận xe. Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900 .6192 để được hỗ trợ.

>> Những lỗi vi phạm bị tạm giữ xe theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Mức phạt với người buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả ngày Tết

Những ngày gần Tết, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân đối với các loại bánh kẹo, thực phẩm là rất lớn. Nhân cơ hội này, nhiều người đã sản xuất, buôn bán các loại hàng giả để kiếm lời. Vậy buôn bán hàng giả ngày Tết bị phạt thế nào?