[Cần biết] Phụ nữ nên làm gì khi bị chồng đánh?

Trong cuộc sống hằng ngày, phụ nữ thường là nạn nhân của bạo lực gia đình nhưng không phải ai rơi vào hoàn cảnh ấy cũng biết tự đứng lên để bảo vệ quyền lợi của mình. Vậy phụ nữ nên làm gì khi bị chồng đánh?

Phụ nữ nên làm gì khi bị chồng đánh?

Theo khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, bạo lực gia đình là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Các hành vi bạo lực gia đình phổ biến là giải quyết mâu thuẫn gia đình bằng những cái bạt tai và nắm đấm…

Các hành vi bạo lực gia đình cụ thể được nêu tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình gồm:

Điều 3. Hành vi bạo lực gia đình

1. Hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;

i) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;

l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;

m) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;

[…]

Dù là dưới góc độ tâm lý hay pháp lý, phụ nữ khi bị chồng đánh không nên im lặng cam chịu mà hãy đứng lên, mở cửa ra và tự bảo vệ chính mình.

Đặc biệt, trong trường hợp này, người phụ nữ có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình cũng như yêu cầu các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc…

Cụ thể:

- Trình báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tình trạng bạo lực gia đình hoặc cơ quan công an/đồn biên phòng nơi gần nhất; trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố/Trưởng ban công tác mặt trận nơi xảy ra bạo lực gia đình để yêu cầu người chồng chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình; cấm người chồng có hành vi bạo lực đến gần vợ…

- Gửi đơn đến Tòa án cấp huyện yêu cầu áp dụng biện pháp cấm người chồng tiếp xúc trong thời gian tối đa 04 tháng nếu có đầy đủ các điều kiện:

  • Gây tổn hại/đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe/đe dọa tính mạng người bị bạo lực gia đình.
  • Người vợ/người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người vợ bị bạo lực gia đình có đơn yêu cầu

Lưu ý: Để được Tòa án giải quyết thì người vợ bị bạo lực gia đình phải có các bằng chứng chứng minh hành vi bạo lực gây tổn hại đến sức khỏe và đe dọa đến tính mạng.

- Đến khám và điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh; nếu có bảo hiểm y tế, các chi phí khám và điều trị sẽ do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả.

- Đến các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình… để được tư vấn về chăm sóc sức khỏe, ứng xử trong gia đình, các vấn đề về pháp lý và tâm lý để giải quyết tình trạng bạo lực gia đình…

- Gọi điện thoại đến các số điện thoại đường dây nóng như:

  • Tổng đài 111 (bảo vệ trẻ em);
  • Tổng đài 112 (yêu cầu trợ giúp, tìm kiếm cứu nạn);
  • Tổng đài 113 (tổng đài khẩn cấp về an ninh trật tự);
  • Tổng đài 114 (tổng đài cứu hỏa, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp);
  • Tổng đài 115 (tổng đài cấp cứu khẩn cấp);
  • Tổng đài phòng, chống bạo lực gia đình (sắp có)…

Người vợ phụ nữ nên làm gì khi bị chồng đánh?
Người vợ phụ nữ nên làm gì khi bị chồng đánh? (Ảnh minh họa)

Người chồng đánh vợ bị phạt như thế nào?

Người chồng có hành vi bạo lực với vợ, dù gây thương tích nhiều hay ít cũng đều phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Phạt hành chính đến 20 triệu đồng

Theo quy định tại Mục 4 từ Điều 52 đến Điều 59 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Tùy từng hành vi vi phạm bạo lực gia đình khác nhau mà người chồng có thể bị phạt:

  • Từ 05 - 10 triệu đồng (đánh đập gây thương tích; lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm…)
  • Từ 10 - 20 triệu đồng (Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích; không kịp đưa người vợ bị bạo lực đi cấp cứu điều trị hoặc không chăm sóc vợ trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình trừ trường hợp người vợ từ chối...)

Chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích

Theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, nếu người chồng cố ý gây thương tích cho vợ mà tỷ lệ tổn thương từ 11% hoặc dưới 10% nhưng dùng hung khí nguy hiểm; dùng axit; gây cố tật nhẹ cho vợ hoặc phạm tội 02 lần trở lên thì sẽ bị xử lý về Tội cố ý gây thương tích với mức phạt là cải tạo không không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm…

Trên đây là những tư vấn của LuatVietnam dưới góc độ pháp lý về việc phụ nữ nên làm gì khi bị chồng đánh? Tuy nhiên, những tư vấn này chỉ mang tính chất tham khảo. Cách xử lý trong thực tế còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ của sự việc, hoàn cảnh và tình cảm của những người trong cuộc.

Nếu người vợ bị chồng đánh cảm thấy không thể cứu vãn cuộc hôn nhân này, có thể tham khảo thêm về thủ tục ly hôn hoặc cần tư vấn thêm thì có thể gọi đến tổng đài của chúng tôi 19006192 .

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Cải cách tiền lương từ 01/7/2024, trợ cấp người có công có tăng không?

Cải cách tiền lương từ 01/7/2024, trợ cấp người có công có tăng không?

Cải cách tiền lương từ 01/7/2024, trợ cấp người có công có tăng không?

Cùng với cán bộ, công chức, viên chức, người có công có được tăng trợ cấp khi cải cách tiền lương không là câu hỏi được rất nhiều độc giả của LuatVietnam gửi đến qua tổng đài 19006192. Để tìm câu trả lời, hãy theo dõi bài viết dưới đây.