“Phớt lờ” mức phạt đến 40 triệu đồng, nhiều cửa hàng vẫn bán công khai SIM rác

Theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP, bán SIM rác, bán SIM không được doanh nghiệp viễn thông ủy quyền sẽ bị phạt đến 40 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, nhu cầu mua và bán loại SIM này vẫn không hề có dấu hiệu giảm xuống.

Ngày 24/04/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, Nghị định quy định, SIM thuê bao di động chỉ được cung cấp cho các cá nhân, tổ chức tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Hành vi bán SIM thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Bán, lưu thông trên trị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước… sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng. Nghị định này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 24/04/2017.

Tuy nhiên, sau hơn 05 tháng kể từ ngày Nghị định trên có hiệu lực thi hành, tình trạng kinh doanh, sử dụng SIM rác vẫn diễn ra phổ biến và công khai. Chỉ cần dạo qua bất kỳ một con phố nào cũng dễ dàng bắt gặp một cửa hàng bán SIM điện thoại. Cách thức mua bán SIM tại các cửa hàng này diễn ra rất đơn giản, nhanh, gọn: Chỉ cần chọn số và trả tiền. Không cần phải xuất trình chứng minh nhân dân, không cần đăng ký thuê bao, cũng không phải thực hiện các thủ tục như quy định, khách hàng đã sở hữu ngay một chiếc SIM di động như ý. Khi công nghệ thông tin phát triển, việc mua bán SIM rác lại càng dễ dàng  hơn. Chỉ cần lên mạng và gõ tìm kiếm cụm từ “mua sim số”, hơn 4 triệu kết quả được hiện ra chỉ trong chưa đầy 01 giây. Hàng loạt website, fanpage giao bán sim số của các nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone… với đầy đủ các mức giá khác nhau cho khách hàng lựa chọn. Người bán cũng sẵn sàng giao SIM đến tận nhà cho khách hàng  nếu như họ có yêu cầu.

Hình ảnh minh họa
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tính tới cuối tháng 09 vừa qua, cả nước có khoảng 113,2 triệu thuê bao di động. Trong khi đó, tại hội nghị được tổ chức hồi tháng 07, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thu hồi, xử lý gần 24 triệu SIM rác. Mặc dù số lượng SIM bị thu hồi khá lớn nhưng trên thị trường hiện nay, loại SIM này vẫn còn nhiều.

Việc mua bán SIM rác gây ra rất nhiều hệ lụy, trong đó có việc rối loạn thông tin thuê bao, tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo như hiện nay. Ngoài ra, kinh doanh, sử dụng SIM rác còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nhiều người sử dụng SIM rác để thực hiện những hành vi phạm tội, như vu khống, tống tiền, lừa đảo, ma túy… Và điều này khiến cho công tác điều tra của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Trước những bất cập này, việc ban hành quy định xử phạt đối với hành vi mua bán, lưu thông SIM rác là cần thiết. Tuy nhiên, để quy định này thực sự tác động đến người dân, các cơ quan chức năng cần có biện pháp truyền thông, tuyên truyền và phổ biến kiến thức pháp luật. Hy vọng trong thời gian tới, tình trạng mua bán, sử dụng SIM rác sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Để tìm hiểu thêm về các quy định pháp luật liên quan, bạn đọc tham khảo:

Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định 25/2011/NĐ-CP ngày 06/04/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục