3 trường hợp khách hàng bị phong tỏa tài khoản
Theo Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-NHNN, sửa đổi bởi Thông tư 02/2019/TT-NHNN, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh thực hiện phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng trong các trường hợp sau:
(1) Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
(2) Tổ chức thanh toán phát hiện thấy có nhầm lẫn, sai sót;
(3) Có thông báo bằng văn bản của một trong các chủ tài khoản về phát sinh tranh chấp tài khoản thanh toán chung.
Ngay sau khi phong tỏa tài khoản, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thông báo cho chủ tài khoản hoặc người giám hộ hoặc người đại diện về lý do và phạm vi phong tỏa.
Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản phải được bảo toàn, đồng thời kiểm soát chặt chẽ theo nội dung phong tỏa. Trong trường hợp tài khoản bị phong tỏa một phần thì phần không bị phong tỏa vẫn được sử dụng bình thường.
Điều kiện chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán
Tại khoản 4 Điều 17 Thông tư 23 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước quy định, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán khi có một trong các điều kiện:
- Khi kết thúc thời hạn phong tỏa;
- Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán;
- Tổ chức cung ứng dịch đã xử lý xong sai sót, nhầm lẫn về chuyển tiền;
- Có thông báo bằng văn bản của tất cả các chủ tài khoản chung về việc đã giải quyết được tranh chấp tài khoản thanh toán.
Biện pháp phong tỏa tài sản trong thi hành án
Phong tỏa tài sản trong thi hành án dân sự
Tại Điều 76 Luật Thi hành án Dân sự 2008 quy định, phong toả tài khoản được thực hiện trong trường hợp cần ngăn chặn việc tẩu tán tiền của người phải thi hành án.
Theo đó, về bản chất, phong tỏa tài khoản là biện pháp nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản và đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thi hành án nhanh chóng, hiệu quả.
Biện pháp phong tỏa tài khoản áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án đang có tiền trong tài khoản. Đồng thời, ngăn chặn người phải thi hành án rút tiền trong tài khoản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
Bên cạnh đó, cũng theo Điều 76, khi tiến hành phong toả tài khoản thanh toán, phải giao quyết định phong toả tài khoản cho cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án.
Cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải thực hiện ngay quyết định phong toả tài khoản.
Phong tỏa tài khoản trong thi hành án hình sự
Căn cứ Điều 129 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, biện pháp phong tỏa tài khoản để thi hành án hình sự thực hiện như sau:
- Phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội có quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Phong tỏa tài khoản cũng có thể áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.
- Chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại.
- Khi tiến hành phong tỏa tài khoản, cơ quan tố tụng phải giao quyết định phong tỏa tài khoản cho tổ chức quản lý tài khoản của người bị buộc tội hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.
- Việc giao, nhận lệnh phong tỏa tài khoản được lập thành biên bản:
Biên bản về việc phong tỏa tài khoản gồm 05 bản: 01 bản cho người bị buộc tội; 01 bản cho người khác có liên quan đến người bị buộc tội; 01 bản cho Viện kiểm sát cùng cấp, 01 bản đưa vào hồ sơ, 01 bản để lưu tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.Trên đây là một số thông tin về phong tỏa tài khoản ngân hàng. Nếu có thắc mắc nào khác, bạn đọc vui lòng liên hệ Tổng đài trực tuyến 1900.6192.
>> Người nước ngoài có được vay tiền ngân hàng không?