Ẩm thực đường phố Việt Nam từ lâu đã trở thành nét văn hóa, vừa phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân, vừa thu hút khách du lịch. Bất cứ một con phố nào ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… cũng có những quán ăn vỉa hè, những gánh hàng rong. Thế nhưng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của những “cửa hàng di động” này vẫn luôn là vấn đề đáng được quan tâm.
Thức ăn được bày bán trên vỉa hè, trên nền đất, không được che đậy kỹ, việc chế biến, nấu nướng diễn ra ngay trên vỉa hè, lòng đường - nơi có nhiều khói bụi, nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng, người chế biến không mang găng tay, dụng cụ ăn uống không được vệ sinh sạch sẽ,… Đó là những gì được nhìn thấy tại phần lớn quán ăn vỉa hè. Trong khi đó, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã có những quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố.
Theo đó, nơi bày bán thức ăn đường phố phải cách biệt với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; Thức ăn phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố; Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh; Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng hay động vật gây hại; Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh; Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm…
Đặc biệt vào ngày 05/12/2012, Bộ Y tế đã ban hành riêng một Thông tư quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố (Thông tư 30/2012/TT-BYT). Trong đó, Bộ có hướng dẫn rất chi tiết về các quy định liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, nguyên liệu, người chế biến/kinh doanh thức ăn đường phố…
Thức ăn được bày bán trên vỉa hè |
Trước những nguy hại mà thức ăn đường phố có thể gây ra đối với sức khỏe con người, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều đợt kiểm tra và xử lý các cơ sở, hộ kinh doanh, cá nhân vi phạm quy định về kinh doanh thức ăn đường phố.
Điều 22 Nghị định 178/2013/NĐ-CP có quy định về mức xử phạt đối với những vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong doanh thức ăn đường phố. Theo đó, phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi: Bày bán thức ăn không có bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm an toàn thực phẩm; Không có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, ngăn côn trùng và động vật gây hại; Sử dụng nơi bày bán không cách biệt với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; Dùng tay tiếp xúc trực tiếp với thức ăn… Hành vi sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm để chế biến thức ăn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Mức phạt tiền cao nhất được quy định tại Điều này là 2.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc. Ngoài bị phạt tiền, đối tượng vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Để tìm hiểu thêm về các quy định liên quan, bạn đọc tham khảo:
Luật An toàn thực phẩm của Quốc hội, số 55/2010/QH12
Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm