Phân biệt Tội tham ô tài sản và Tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản

Tội tham ô tài sản và Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là tội mà trong đó người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Khung hình phạt cao nhất đối với Tội tham ô tài sản là tử hình, trong khi đó, Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản chỉ phải đối mặt với mức án cao nhất là chung thân.

Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hai loại tội phạm tham nhũng khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng phân biệt rõ hai loại tội phạm này.

Trong phạm vi bài viết này, LuatVietnam sẽ giúp các bạn phân biệt Tội tham ô tài sản và Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Tội tham ô tài sản và Tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản khác nhau như thế nào? (Ảnh minh họa: Internet)

Giống nhau:

- Đều thuộc nhóm tội phạm liên quan đến tham nhũng

- Đều là loại tội phạm cấu thành vật chất

- Xâm phạm đến quan hệ sở hữu, sự hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước

- Chủ thể phạm tội đều là chủ thể đặc biệt, ngoài điều kiện có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đủ độ tuổi luật định giống như các chủ thể thường thì còn phải là người có chức vụ, quyền hạn.

- Xuất phát từ lỗi cố ý trực tiếp với mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm.

- Đều có động cơ vụ lợi.

Khác nhau:

- Đối tượng tác động:

Tội tham ô tài sản: Tài sản chiếm đoạt là tài sản mà người phạm tội quản lý, là tài sản của Nhà nước.

Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: Tài sản chiếm đoạt là tài sản của người khác, dưới sự quản lý của người khác, có thể là tài sản của Nhà nước.

- Hành vi phạm tội:

Tội tham ô tài sản: Sử dụng chức vụ như một phương tiện để biến tài sản mình quản lý thành tài sản cá nhân, như: Sử dụng quyền hạn thực hiện không đúng chức trách hoặc làm trái chế độ quản lý tài sản; Sử dụng quyền hạn vượt quá giới hạn cho phép nhưng có liên quan đến cương vị công tác để chiếm đoạt tài sản.

Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: Sử dụng chức vụ, quyền hạn như một phương tiện để làm một việc vượt ngoài trách nhiệm được giao nhằm chiếm đoạt tài sản. Có thể là uy hiếp, lừa dối… chủ tài sản để chiếm đoạt tài sản.

Tội tham ô tài sản và Tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản có chế tài xử phạt khác nhau (Ảnh minh họa: Internet)

- Chế tài xử phạt:

Theo Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, người phạm tội Tham ô tài sản sẽ bị xử phạt thấp nhất là 02 năm tù và cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Trong khi đó, Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015 sẽ bị xử phạt thấp nhất 01 năm tù và cao nhất là chung thân.

Bên cạnh bị phạt tù, người phạm vào hai tội này còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 - 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tin liên quan:

Phân biệt tội hiếp dâm trẻ em và tội giao cấu với trẻ em

Phân biệt bị can và bị cáo

Bộ luật Hình sự: 9 nội dung nổi bật áp dụng từ 2018

Phân biệt tội tham ô và tội nhận hối lộ

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục