Hộ chiếu và visa khác nhau như thế nào?

Hộ chiếu và visa đều là những loại giấy tờ xuất nhập cảnh quen thuộc, được nhắc đến thường xuyên, tuy nhiên đôi khi việc phân biệt giấy tờ này lại khá mơ hồ. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc phân biệt hộ chiếu và visa một cách rõ ràng.

Phân biệt hộ chiếu và visa​

Tiêu chí phân biệt

Hộ chiếu (Passport)

Visa (Thị thực)

Khái niệm

Hộ chiếu là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của một nước cấp cho công dân để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.

Đối với hộ chiếu Việt Nam, khoản 3 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14 định nghĩa:

Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.

Visa là tên tiếng Anh của thị thực, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của một nước cấp để cho phép người nước ngoài nhập cảnh.

Trong đó, thị thực Việt Nam là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (theo giải thích tại khoản 11 Điều 3 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13).

Công dụng

- Giấy tờ chứng minh quốc tịch của một người

- Trong các giao dịch, thủ tục hành chính, hộ chiếu được coi là một trong ba loại giấy tờ tùy thân quan trọng bên cạnh Căn cước công dân và Chứng minh nhân dân. Nếu không có Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân, công dân có thể sử dụng hộ chiếu thay thế.

Là một loại giấy cho phép một người xuất, nhập cảnh, lưu trú tại một quốc gia, vùng lãnh thổ

Phân loại

Theo quy định tại Thông tư 73/2021/TT-BCA, hộ chiếu của Việt Nam có 03 loại gồm:

- Hộ chiếu ngoại giao, trang bìa màu nâu đỏ: Cấp cho quan chức cấp cao của Nhà nước được quy định tại Điều 8 Luật Xuất nhập cảnh; được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác.

- Hộ chiếu công vụ, trang bìa màu xanh lá cây đậm: Cấp cho đối tượng thuộc Điều 9 Luật Xuất nhập cảnh như cán bộ, công chức, viên chức, Công an, Quân đội… được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác.

- Hộ chiếu phổ thông, trang bìa màu xanh tím: Cấp cho công dân Việt Nam.

Hiện nay có 05 nhóm visa phổ biến nhất là:

  • Visa du lịch
  • Visa công tác
  • Visa lao động
  • Visa đầu tư
  • Visa thăm người thân
Về hình thức, visa có thể thể hiện dưới dạng bản giấy hoặc bản điện tử.

Về mối quan hệ giữa hộ chiếu và visa: Hộ chiếu là giấy tờ có trước, là một trong những tài liệu quan trọng, cần để được cấp thị thực.

Phân biệt hộ chiếu và visa
Phân biệt hộ chiếu và visa (Ảnh minh họa)

Hộ chiếu Việt Nam đi nước nào không cần visa?

Công dân một nước khi đến bất kỳ một quốc gia nào khác đều phải được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó cho phép.

Trong đó, visa chính là loại giấy tờ thể hiện sự cho phép người nước ngoài nhập cảnh của một quốc gia.

Vì nhiều lý do như ngoại giao, nguyên tắc có đi có lại, thu hút khách du lịch… hiện nay rất nhiều nước đã có các chính sách miễn visa, xin visa khi đến hoặc cấp visa điện tử cho công dân Việt Nam.

Bởi vậy, hiện nay hộ chiếu của công dân Việt Nam có thể nhập cảnh vào 54 quốc gia và vùng lãnh thổ mà không cần xin visa trước:

Trường hợp

Quốc gia, vùng lãnh thổ

Miễn thị thực

Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Philippines, Quần đảo Cook, Micronesia, Niue, Saint Vincent & Grenadines, Barbados, Haiti, Singapore, Brunei, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Ecuador, Panama, Dominica, Chile.

Chấp nhận visa on arrival

Madagascar, Guinea-Bissau, Kenya, Malawi, Mauritania, Mozambique, Mauritius, Namibia, quần đảo Palau, quần đảo Marshall, Samoa, Tuvalu, Iran, Kuwait, St Lucia, Maldives, đông Timor, Nepal, Tajikistan, Bolivia, quần đảo Cape Verde, quần đảo Comoro, Rwanda, Senegal, Seychelles, Sierra Leone, Somalia, Tanzania, Togo, Uganda, Zambia.

Chấp nhận eTA

Đảo Đài Loan (Trung Quốc), Sri Lanka.

Trong đó:

- Miễn thị thực là chính sách cho phép công dân từ một số quốc gia cụ thể nhập cảnh mà không cần xin visa trước khi đi.

Công dân từ các quốc gia được miễn thị thực có thể nhập cảnh vào đất nước đó chỉ bằng hộ chiếu và các điều kiện nhập cảnh cơ bản khác. Miễn thị thực thường áp dụng cho các liên minh khu vực, liên minh chính sách tự do hoặc các thỏa thuận đặc biệt giữa các quốc gia.

- Visa nhập cảnh sân bay (visa on arrival) là loại visa mà công dân nước ngoài có thể xin và nhận tại sân bay khi đến nơi. Thay vì phải xin visa từ đại sứ quán hoặc lãnh sự quán trước khi đi, người xin visa có thể làm thủ tục xin visa và thanh toán phí tại điểm nhập cảnh.

Visa điện tử (eTA) là loại visa điện tử mà công dân nước ngoài có thể xin trực tuyến trước khi đi du lịch, công tác. Thông thường, người xin visa điện tử chỉ cần điền đơn xin visa trực tuyến, nộp các tài liệu cần thiết và thanh toán phí qua hệ thống trực tuyến.

Sau khi được chấp thuận, họ sẽ nhận được một phiên bản điện tử của visa để in ra và mang theo khi đi du lịch. Visa điện tử giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho người nhập cảnh vì không cần phải đến đại sứ quán hoặc lãnh sự quán để nộp hồ sơ xin visa.

Trên đây là thông tin về: Hộ chiếu và visa khác nhau như thế nào? Nếu có vướng mắc, bạn đọc liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
(3 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục