Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: 6 nội dung đáng chú ý nhất

Với 436/455 đại biểu tán thành, chiều ngày 16/6/2020, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14 đã chính thức được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung đáng chú ý như sau:


1/ Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là gì?

Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định (khoản 2 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).

Trong khi đó, đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính nhằm hỗ trợ các bên thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính (khoản 3 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án).

Nếu các bên thông qua hòa giải hoặc đối thoại, tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ vụ việc dân sự hoặc tự nguyện thống nhất về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ khiếu kiện hành chính thì được coi là hòa giải thành và đối thoại thành.

Như vậy, có thể thấy, hòa giải thành áp dụng với các vụ việc dân sự còn đối thoại là hoạt động áp dụng với các vụ kiện hành chính.

nội dung đáng chú ý của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
6 nội dung đáng chú ý của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Ảnh minh họa)

2/ Không được ghi âm, ghi hình trong quá trình hòa giải, đối thoại

Một trong những nguyên tắc quan trọng khi hòa giải, đối thoại là phải giữ bí mật các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại. Cụ thể, Điều 4 Luật này nêu rõ:

Trong quá trình hòa giải, đối thại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại.

Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại và việc ghi chép chỉ phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại cũng như những nội dung đã ghi chép cũng phải được bảo mật.

Đồng thời, Hòa giải viên, các bên tham gia, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia cũng không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại trừ trường hợp được sự đồng ý của các bên cung cấp thông tin.

Ngoài ra, trong hòa giải, đối thoại, các bên phải tuyệt đối tự nguyện cũng như phải tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên, không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ.

Đặc biệt, giữa các bên tham gia hòa giải, đối thoại cũng phải được bảo đảm quyền bình đẳng.

Xem thêm


3/ 3 loại chi phí các bên tham gia hòa giải phải chịu

Mặc dù hòa giải, đối thoại là hình thức được Nhà nước khuyến khích các bên áp dụng và đảm bảo kinh phí từ ngân sách Nhà nước cũng như từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác nhưng Điều 9 Luật này cũng quy định các khoản chi phí các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án phải nộp gồm:

- Pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch;

- Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài;

- Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại khi các bên thống nhất chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; Chi phí Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở, trước khi Hòa giải viên lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Như vậy, ngoài 03 khoản chi phí phát sinh thêm mà các bên tham gia hòa giải, đối thoại phải chịu thì toàn bộ các chi phí còn lại liên quan đến việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ do ngân sách Nhà nước bảo đảm.

Điều kiện và tiêu chuẩn để trở thành Hòa giải viên

Điều kiện và tiêu chuẩn để trở thành Hòa giải viên (Ảnh minh họa)

4/ Không được bổ nhiệm cán bộ, công chức làm Hòa giải viên

Khoản 2 Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nêu rõ điều kiện để được bổ nhiệm Hòa giải viên gồm:

- Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên Thi hành án dân sự, Thẩm tra viên trước khi nghỉ hưu; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác, hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư;

- Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật;

- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại;

- Tự nguyện thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của Tòa án.

Đặc biệt, khoản 2 Điều này nêu rõ các trường hợp không đủ điều kiện nêu trên thì không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên. Đồng thời cũng khẳng định người đang là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan... trong Quân đội, Công an cũng không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên.

Để được bổ nhiệm Hòa giải viên, những đối tượng đạt yêu cầu phải chuẩn bị các giấy tờ cần thiết như:

- Đơn đề nghị;

- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;

- Phiếu lý lịch tư pháp;

- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp;

- Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án… đã nghỉ hưu; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác…

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm. Nếu từ chối sẽ thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

Đáng lưu ý: Nhiệm kỳ của Hòa giải viên là 03 năm kể từ ngày được bổ nhiệm.

5/ 7 trường hợp không thể tiến hành hòa giải, đối thoại

Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nêu rõ những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại gồm:

- Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước;

- Những vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;

- Người khởi kiện, bị kiện… đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần 2 nhưng vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia vì lý do chính đáng;

- Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;

- Một trong các bên đề nghị không hòa giải, đối thoại;

- Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể thấy, theo quy định trên có 07 trường hợp sẽ không thể tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chính thức được Quốc hội thông qua
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chính thức được Quốc hội thông qua (Ảnh minh họa)

6/ Trình tự, thủ tục và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại

Để nhận được Quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại, các bên phải tiến hành theo trình tự, thủ tục gồm các bước sau:

Bước 1: Nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và chỉ định Hòa giải viên

Trong bước này, người khởi kiện, người yêu cầu gửi đơn đến Tòa án có thẩm quyền kèm theo tài liệu, chứng cứ. Sau đó, nếu đủ điều kiện để được hòa giải thì Tòa án sẽ phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại, chỉ định Hòa giải viên…

Bước 2: Chuẩn bị hòa giải, đối thoại

Để thực hiện hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên phải chuẩn bị: Tiếp nhận và nghiên cứu đơn, tài liệu gửi kèm do Tòa án chuyển đến; Vào sổ theo dõi vụ việc; Xác định tư cách của người tham gia hòa giải, đối thoại; Xây dựng phương án hòa giải, đối thoại…

Bước 3: Tiến hành phiên hòa giải, đối thoại

Khi các bên đồng ý gặp nhau để thống nhất phương án giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, đối thoại và thông báo cho các bên chậm nhất là 05 ngày trước ngày mở phiên hòa giải, đối thoại.

Trong phiên hòa giải sẽ gồm Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người đại diện của họ, người phiên dịch, người được mời tham gia hòa giải, đối thoại trong trường hợp cần thiết.

Phiên hòa giải, đối thoại được thực hiện theo trình tự sau:

- Hòa giải viên giới thiệu thành phần tham gia; trình bày nội dung cần hòa giải, đối thoại; diễn biến quá trình chuẩn bị hòa giải, đối thoại; quyền, nghĩa vụ của mình…

- Người yêu cầu, khởi kiện hoặc người đại diện của họ trình bày nội dung yêu cầu, khởi kiện, đề xuất quan điểm những vấn đề cần hòa giải, đối thoại và hướng giải quyết (nếu có);

- Hòa giải viên hỗ trợ các bên tham gia hòa giải, đối thoại trao đổi ý kiến, trình bày các nội dung chưa rõ, đi đến thỏa thuận, thống nhất giải quyết tranh chấp, khiếu nại;

- Kết luận về những vấn đề các bên đã thống nhất, chưa thống nhất.

Bước 4: Tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại

Khi các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất với nhau thì Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại.

Phiên họp này được tổ chức ngay sau phiên hòa giải, đối thoại hoặc vào thời gian phù hợp khác ở trụ sở Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Tại đó, Thẩm phán tham gia phiên họp ký xác nhận biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại.

Bước 5: Ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành

Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu.

Khi đó, nếu đủ điều kiện thì Thẩm phán ra quyết định. Ngược lại, nếu không đủ điều kiện thì không ra quyết định và chuyển biên bản cũng như tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

Lưu ý: Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Trên đây là 06 điểm đáng chú ý của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án mới được Quốc hội thông qua chiều ngày 16/6/2020 và sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/01/2021.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

2 trường hợp không có tên trong di chúc vẫn hưởng thừa kế nhà đất

2 trường hợp không có tên trong di chúc vẫn hưởng thừa kế nhà đất

2 trường hợp không có tên trong di chúc vẫn hưởng thừa kế nhà đất

Vì nhiều lý do khác nhau mà người lập di chúc không để lại tài sản của mình cho cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên. Pháp luật dự liệu trước trường hợp này xảy ra trên thực tế nên quy định đối tượng không có tên trong di chúc vẫn hưởng thừa kế.