Những vật dụng nào được và không được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT?

Sau đây là các quy định về những vật dụng được và không được mang vào phòng thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1. Được mang gì vào phòng thi tốt nghiệp THPT?

Theo Điều 14 Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT, sửa đổi bởi Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi các vật dụng sau:

  • Bút viết;

  • Thước kẻ;

  • Bút chì;

  • Tẩy chì;

  • Êke;

  • Thước vẽ đồ thị;

  • Dụng cụ vẽ hình;

  • Máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ;

  • Atlat Địa lí Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).

Thí sinh được mang gì vào phòng thi tốt nghiệp THPT?
Thí sinh được mang gì vào phòng thi tốt nghiệp THPT? (Ảnh minh họa)

2. Vật dụng nào bị cấm mang vào phòng thi?

Điều 14 Quy chế thi tốt nghiệp THPT quy định cấm thí sinh mang vào phòng thi các vật dụng sau:

  • Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn;

  • Vũ khí và chất gây nổ, gây cháy;

  • Tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.

3. Thí sinh mang vật dụng cấm vào phòng thi bị xử lý thế nào?

Theo khoản 3 Điều 54 Quy chế thi tốt nghiệp THPT (sửa đổi bởi Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT), thí sinh mang vật dụng bị cấm, vật dụng trái phép vào phòng thi/phòng chờ sẽ bị đình chỉ thi.

Cán bộ coi thi lập biên bản, thu tang vật (nếu có) và báo cáo Trưởng Điểm thi quyết định hình thức đình chỉ thi. Nếu Trưởng Điểm thi không nhất trí thì báo cáo Trưởng ban Coi thi quyết định.

Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi, ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định và chỉ được rời khỏi khu vực thi khi hết thời gian của buổi thi.

Đặc biệt, thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi/môn thi trong kỳ thi năm đó.

Thí sinh được mang gì vào phòng thi tốt nghiệp THPT?
Thí sinh được mang gì vào phòng thi tốt nghiệp THPT? (Ảnh minh họa)

4. Các hình thức xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi

Tại Điều 54 Quy chế thi tốt nghiệp THPT (sửa đổi bởi Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT) quy định, mọi vi phạm Quy chế thi đều bị lập biên bản, xử lý kỷ luật và thông báo cho thí sinh. Cụ thể, các hình thức kỷ luật thí sinh vi phạm quy chế thi bao gồm:

- Khiển trách: Đối với những thí sinh phạm lỗi nhìn bài hoặc trao đổi bài với thí sinh khác một lần.

- Cảnh cáo: Đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:

  • Đã bị khiển trách một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm Quy chế thi ở mức khiển trách; trao đổi bài làm hoặc giấy nháp với thí sinh khác;

  • Chép bài của thí sinh khác hoặc để thí sinh khác chép bài của mình.

- Đình chỉ thi: Đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:

  • Đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo;
  • Mang vật dụng trái phép vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ;
  • Đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi;
  • Viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi;
  • Có hành động gây gổ, đe dọa nhũng người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác;
  • Không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển trong khu vực thi và trong thời gian ở phòng chờ.

- Trừ điểm bài thi:

  • Thí sinh bị khiển trách trong khi thi bài thi nào sẽ bị trừ 25% tổng số điểm bài thi của bài thi đó;
  • Thí sinh bị cảnh cáo trong khi thi bài thi nào sẽ bị trừ 50% tổng số điểm bài thi của bài thi đó;
  • Những bài thi có đánh dấu bị phát hiện trong khi chấm sẽ bị trừ 50% điểm toàn bài;
  • Cho điểm 0: Bài thi được chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi; có hai bài làm trở lên đối với một bài thi; bài thi có chữ viết của hai người trở lên; những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định;
  • Thí sinh bị đình chỉ thi bài thi nào sẽ bị điểm 0 bài thi đó và không được tiếp tục dự thi các bài thi tiếp theo.

- Hủy bỏ kết quả thi đối với những thí sinh:

  • Có hai bài thi trở lên bị điểm 0;

  • Viết, vẽ vào tờ giấy thi những nội dung không liên quan đến bài thi;

  • Để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức;

  • Sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài;

  • Dùng bài của người khác để nộp.

- Hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi:

  • Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích;
  • Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp;

  • Để người khác dự thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức;

  • Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung những người tham gia công tác tổ chức thi hoặc thí sinh khác;

  • Sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.

Trên đây là thông tin về: Thí sinh được mang gì vào phòng thi tốt nghiệp THPT? Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 19006192 để được hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

[Thông tin cần biết] Lịch sử ngày truyền thống luật sư Việt Nam

[Thông tin cần biết] Lịch sử ngày truyền thống luật sư Việt Nam

[Thông tin cần biết] Lịch sử ngày truyền thống luật sư Việt Nam

Luật sư là một trong những nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp luật sư nhằm góp phần bảo vệ công lý, mang lại sự công bằng, phát triển kinh tế - xã hội. Nhân kỷ niệm 13 năm ngày truyền thống, cùng tìm hiểu về lịch sử ngày luật sư Việt Nam.