Dưới đây là chi tiết các trường hợp không được uỷ quyền cho người khác làm thay mà bản thân cá nhân, tổ chức đó phải tự mình thực hiện.
Uỷ quyền là sự thoả thuận của các bên. Trong đó, một bên thực hiện công việc nhân danh bên còn lại và bên còn lại có thể phải trả thù lao cho người được uỷ quyền nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định khác (căn cứ Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều có thể uỷ quyền cho người khác mà có một số trường hợp không được ủy quyền dưới đây, pháp luật yêu cầu phải chính người đó tự mình thực hiện công việc. Cụ thể:
1. Đăng ký kết hôn
Khoản 1 Điều 18 Luật Hộ tịch quy định về thủ tục đăng ký kết hôn nêu rõ:
1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
Theo quy định này, khi làm thủ tục đăng ký kết hôn, hai vợ chồng phải cùng có mặt và sau đó, cùng ký tên vào Sổ hộ tịch, giấy chứng nhận kết hôn.
Có thể giải thích cho quy định này như sau: Hôn nhân là quan hệ dựa trên sự tự nguyện của các bên. Do đó, trong quá trình đăng ký kết hôn, cán bộ tư pháp sẽ xác định được hai người có thực sự tự nguyện đăng ký kết hôn với nhau không.
Sau khi thực hiện xong việc ký tên vào giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ tịch nam nữ mới được công nhận có quan hệ hôn nhân và gia đình hợp pháp.
Do đó, nam, nữ không thể uỷ quyền cho người khác mà phải tự mình có mặt tại Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định.
2. Ly hôn
Tương tự như đăng ký kết hôn, ly hôn cũng là một trong các trường hợp không được uỷ quyền bởi khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nêu rõ:
Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.
Theo quy định này, trong khi giải quyết ly hôn, khi tham gia tố tụng (tham gia phiên họp công nhận thuận tình ly hôn hoặc phiên toà giải quyết ly hôn đơn phương), vợ chồng không được uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia.
Đồng nghĩa, vợ chồng bắt buộc phải có mặt tại phiên toà hoặc phiên họp nhưng không có nghĩa không thể có luật sư, người đại diện khác cùng tham gia quá trình tố tụng.
Đặc biệt, theo quy định này, vợ chồng chỉ không được uỷ quyền khi tham gia tố tụng mà các giai đoạn khác của thủ tục ly hôn hoàn toàn có thể uỷ quyền cho người khác như uỷ quyền để: Nộp đơn ly hôn, nộp tạm ứng án phí, nộp án phí…
Tuy nhiên, mặc dù quy định là thế nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ đặc biệt đương sự không cần phải có mặt:
- Một trong hai bên có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt. Trong trường hợp này, Toà án sẽ căn cứ vào tài liệu, hồ sơ, giấy tờ đã có để xét xử.
- Cha, mẹ, người thân thích khác là người đại diện tại phiên toà khi họ là người yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn vì một bên vợ, chồng bị tâm thần hoặc mắc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình và là nạn nhân bạo lực gia đình do người còn lại gây ra.
3. Gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng
Khoản 1 Điều 12 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định về gửi tiết kiệm nêu rõ:
Người gửi tiền phải trực tiếp đến địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng và xuất trình Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền; trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm chung, tất cả người gửi tiền phải trực tiếp xuất trình Giấy tờ xác minh thông tin của mình. Trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo pháp luật phải xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện theo pháp luật, Giấy tờ xác minh thông tin của người đại diện theo pháp luật và Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền.
Theo quy định này, việc gửi tiết kiệm chỉ được thực hiện từ chính người có tiền gửi tiết kiệm hoặc từ người đại diện theo pháp luật của người đó mà không uỷ quyền cho người khác làm thay được.
4. Công chứng di chúc của mình
Việc công chứng di chúc là một trong các thủ tục bắt buộc người lập di chúc phải tự thực hiện. Bởi khoản 1 Điều 56 Luật Công chứng nêu rõ:
1. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.
Bởi di chúc là ý nguyện của người có tài sản nhằm để lại di sản cho người khác sau khi chết. Do đó, khi thực hiện thủ tục công chứng di chúc, Công chứng viên cần phải xem xét trạng thái tinh thần, ý nguyện của người lập di chúc.
Bởi vậy, người này bắt buộc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc để đảm bảo đúng quy định các điều kiện để di chúc có hiệu lực pháp luật.
Có thể bạn đọc quan tâm: Thủ tục lập di chúc đơn giản, nhanh gọn và đúng chuẩn
5. Cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2
Khoản 2 Điều 46 Luật lý lịch tư pháp 2009 quy định:
Trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Theo đó, nếu yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì cá nhân không được uỷ quyền cho người khác làm thay thủ tục này.
6. Các trường hợp khác
- Chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản không được ủy quyền ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện theo Khoản 5 Điều 13 Luật kinh doanh bất động sản 2014.
- Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba khi thực hiện thủ tục tố tụng hành chính theo khoản 5 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
- Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị tổ chức tín dụng không được ủy quyền cho những người không phải là thành viên Hội đồng quản trị thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo Khoản 5 Điều 81 Luật các tổ chức tín dụng 2010.
Trên đây là giải đáp các vấn đề liên quan đến: Trường hợp không được uỷ quyền. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.