Các loại xe ô tô kinh doanh vận tải bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Xe nào không lắp thiết bị giám sát theo quy định sẽ bị phạt đến 02 triệu đồng.
Thiết bị giám sát hành trình là thiết bị điện tử, gắn trực tiếp vào các phương tiện vận tải nhằm cho các thông tin về xe và người lái như vị trí, vận tốc, thời gian xe, hành trình…
Việc lắp đặt thiết bị giám sát vào xe vừa nâng cao hiệu quả kinh doanh của chủ sở hữu, vừa là cơ sở để cơ quan chức năng quản lý phương tiện, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn trật tự giao thông. Trong các trường hợp tai nạn giao thông, thiết bị giám sát hành trình đóng vai trò quan trọng, cung cấp chứng cứ xác thực về vụ va chạm để cơ quan chức năng có căn cứ giải quyết…
Thiết bị giám sát hành trình có vai trò quan trọng (Ảnh: Internet)
Điểm b khoản 1 Điều 67 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định.
Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ cũng nêu rõ, đơn vị kinh doanh vận tải phải đảm bảo điều kiện đối với phương tiện. Theo đó, phương tiện phải được gắn thiết bị giám sát hành trình.
Trong khi đó Điều 14 Nghị định này quy định cụ thể các loại xe bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình gồm có: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách; xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ; xe đầu kéo kéo rơ moóc; sơ mi rơ moóc hoạt động kinh doanh vận tải và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa.
Điều này cũng nêu: Thiết bị giám sát hành trình phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt và hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông. Bên cạnh đó, thiết bị giám sát hành trình của xe phải bảo đảm tối thiểu các yêu cầu: Lưu giữ và truyền dẫn các thông tin theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải; Được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra khi có yêu cầu.
Thiết bị giám sát hành trình được gắn trực tiếp trên xe (Hình minh họa)
Trước 07/2018, tất cả xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình
Theo Nghị định 86, đối với những loại xe chưa được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được thực hiện theo lộ trình sau đây:
- Trước ngày 01/07/2015 đối với xe taxi, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải;
- Trước ngày 01/01/2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên;
- Trước ngày 01/07/2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 07 tấn đến dưới 10 tấn;
- Trước ngày 01/01/2017 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấn đến dưới 07 tấn;
- Trước ngày 01/07/2018 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn.
Không gắn thiết bị giám sát hành trình bị phạt đến 02 triệu đồng
Đây là quy định được nêu tại Nghị định 46/2016. Theo đó, khoản 3 Điều 24 Nghị định này nêu rõ, phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với loại xe có quy định phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định.