Những điều tất cả doanh nghiệp cần biết trong năm 2019

Có nhiều chính sách liên quan đến doanh nghiệp thay đổi trong năm 2019, dưới đây là tổng hợp những điều doanh nghiệp phải biết để tránh sai sót trong việc quản lý, điều hành hoạt động.

Lương tối thiểu vùng tăng tới 200.000 đồng/tháng

Theo Nghị định 157/2018/NĐ-CP, từ ngày 01/01/2019, mức lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc tại các doanh nghiệp chính thức tăng, cụ thể:  


VÙNG

Mức lương tối thiểu vùng 2019

Mức lương tối thiểu vùng 2018

Vùng I

4.180.000

3.980.000

Vùng II

3.710.000

3.530.000

Vùng III

3.250.000

3.090.000

Vùng IV

2.920.000

2.760.000

Doanh nghiệp không được trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Trường hợp doanh nghiệp đang trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng nêu trên thì phải điều chỉnh tăng lương cho người lao động.

Xem thêm: Lương tối thiểu vùng tăng, mức đóng BHXH năm 2019 có thay đổi?

Không tính thời gian thử việc để trả trợ cấp thôi việc

Nghị định 148/2018/NĐ-CP quy định, thời gian thử việc không còn được tính là thời gian làm việc để nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Thời gian để tính trợ cấp thôi việc làm là tổng thời gian người lao động làm việc thực tế cho doanh nghiệp trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó.

Trong đó thời gian làm việc thực tế gồm: Thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động; Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản… không có thời gian thử việc như theo Nghị định 05/2015/NĐ-CP trước đây.


Những điều doanh nghiệp phải biết trong năm 2019 (Ảnh minh họa)

Trình tự xử lý kỷ luật lao động mới

Việc xử lý kỷ luật lao động sẽ được thực hiện theo trình tự mới như sau:

- Phát hiện người lao động vi phạm kỷ luật lao động tại thời điểm xảy ra vi phạm thì người sử dụng lao động phải lập biên bản, thông báo Công đoàn cơ sở để tổ chức họp xử lý kỷ luật;

- Phát hiện sau thời điểm xảy ra vi phạm, chứng minh được lỗi của người lao động trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động thông báo tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật lao động; các thành phần tham dự phải xác nhận dự họp trong tối đa 03 ngày, từ ngày nhận được thông báo…

- Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản có chữ ký của các thành viên dự họp;

- Người ký hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người ra quyết định xử lý kỷ luật.

Căn cứ: Khoản 12 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP

Tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động ít nhất 01 lần/năm

Từ năm 2019, người sử dụng lao động phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại cơ sở của mình ít nhất 01 lần/năm nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến việc tuân thủ (Điều 4 Nghị định 17/2018/NĐ-CP).

Cụ thể, thời gian tự kiểm tra do doanh nghiệp tự quyết định. Thời kỳ tự kiểm tra là từ ngày 01/01 dương lịch của năm trước đến thời điểm kiểm tra.

Nội dung tự kiểm tra pháp luật lao động gồm: Việc trả lương cho người lao động; Việc tuyển dụng và đào tạo lao động; Việc giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; Thời giờ làm việc và nghỉ ngơi…

Doanh nghiệp không chấp hành việc tự kiểm tra là cơ sở để cơ quan thanh tra Nhà nước về lao động thanh tra đột xuất hoặc đưa vào kế hoạch thanh tra năm sau. Đồng thời đây cũng là tình tiết tăng nặng để quyết định mức phạt hành chính.

Xem thêm:

Đăng ký kinh doanh 2019: 12 thay đổi nhất định phải biết

Hậu Nguyễn

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục