Những bệnh viện cấp Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai

Khi cần nghỉ việc để dưỡng thai, lao động nữ phải cung cấp Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai của cơ sở y tế có thẩm quyền cho người sử dụng lao động. Theo quy định, chỉ có 04 nhóm cơ sở có thẩm quyền cấp Giấy này.

Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành cho phép lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì được hưởng chế độ thai sản khi đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Đây là quy định rất có lợi, tạo điều kiện cho những lao động nữ không đủ khả năng lao động khi mang thai. Tại Điều 18 Thông tư 56/2017/TT-BYT, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về cấp Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai trong quy định nêu trên.

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai

Có 02 trường hợp được cấp Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, đó là: Phải điều trị bệnh lý sản khoa; Phải điều trị bệnh lý toàn thân. Có 04 nhóm cơ sở được cấp Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai là: Bệnh viện đa khoa có khoa phụ sản; Bệnh viện chuyên khoa phụ sản; Bệnh viện đa khoa; Hội đồng Giám định y khoa. Trong đó:

 - Bệnh viện đa khoa có khoa phụ sản hoặc bệnh viện chuyên khoa phụ sản đã được cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh: Được cấp Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai do phải điều trị các bệnh lý sản khoa.

- Bệnh viện đa khoa đã được cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và Hội đồng Giám định y khoa: Được cấp Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai do phải điều trị các bệnh lý toàn thân.

Lao động nữ nghỉ theo Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai (Ảnh minh họa)

Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nêu trên được ký Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai do phải điều trị các bệnh lý sản khoa và bệnh lý toàn thân theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.

Thời gian nghỉ phải ghi rõ trong Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai

Thời hạn nghỉ dưỡng thai thực hiện theo kết luận của Hội đồng Giám định y khoa: Việc quyết định số ngày nghỉ phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày cho một lần cấp Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai.

Việc ghi ngày bắt đầu được nghỉ phải trùng với ngày người bệnh đến khám.

Ví dụ: Ngày khám là ngày 13/07/2018 và phải nghỉ 30 ngày thì tại phần số ngày nghỉ để điều trị bệnh ghi là 30 ngày và ghi rõ là từ ngày 13/07/2018 đến ngày 11/08/2018.

1 lần khám chỉ được cấp 1 Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai

Trường hợp người bệnh cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai đã được cấp, người bệnh phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Trường hợp bị mất Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai: Người đã được cấp Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai phải làm đơn đề nghị cấp bản sao Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai và gửi cho đơn vị nơi đã cấp Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai bị mất. Trong thời gian 02 ngày làm việc, đơn vị nơi đã cấp Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai này có trách nhiệm cấp lại bản sao Giấy này cho người lao động.

Trường hợp bị mất Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai trong thời hạn từ ngày làm việc thứ 06 kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai: phải thực hiện lại từ đầu thủ tục đề nghị cấp Giấy giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai.

LuatVietnam

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục