Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2018. Theo đó, các doanh nghiệp này sẽ được hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ mở rộng thị trường…
Mỗi năm, Việt Nam có hàng trăm nghìn doanh nghiệp được thành lập mới. Theo thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, tính đến hết tháng 11/2017, có hơn 116.000 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nước lên gần 700.000 doanh nghiệp. Trong số đó, có đến 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế và xã hội. Trước hết, đây là nơi tạo ra việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo; đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của nền kinh tế; hỗ trợ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Tuy nhiên, khó khăn chung của các doanh nghiệp này là nguồn vốn, đất đai, công nghệ, thị trường…
Hình ảnh minh họa |
Theo Luật này, doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
Cũng theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp này sẽ được Nhà nước hỗ trợ về tiếp cận tín dụng; Hỗ trợ thuế, kế toán; Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; Hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; Hỗ trợ mở rộng thị trường; Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực… Việc hỗ trợ phải tôn trọng quy luật thị trường, phù hợp với điều ước quốc tế; Đảm bảo công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện; Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực…
Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa được cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng. Về thuế, kế toán, doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Để góp phần giải quyết khó khăn về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật này yêu cầu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp; khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt, hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp với thời gian hỗ trợ tối đa 05 năm, tính từ ngày ký hợp đồng thuê mặt bằng.
Hình ảnh minh họa |
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách Nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhà nước tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo trực tuyến, chương trình đào tạo trên các phương tiện thông tin đại chúng khác cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chế biến…
Để tìm hiểu thêm về những quy định liên quan, bạn đọc tham khảo:
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Quốc hội, số 04/2017/QH14
Xem thêm:
10 điểm đáng chú ý của Luật Doanh nghiệp 2014https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/10-diem-dang-chu-y-cua-luat-doanh-nghiep-2014-230-17327-article.html