Nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý khác nhau như thế nào?

Nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đều là những sản phẩm trí tuệ được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Thực tế, mọi người còn rất mơ hồ về sự khác biệt giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Căn cứ pháp lý:

- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11;

- Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 36/2009/QH12.

Tiêu chí

Nhãn hiệu

Chỉ dẫn địa lý

Khái niệm

Là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau (khoản 16 Điều 4)

Ví dụ: Honda, Hyundai, Toyota, BMW…

Là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể (khoản 22 Điều 4)

Ví dụ: Chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm; Chỉ dẫn địa lý “Mộc Châu” cho sản phẩm chè Shan tuyết; Chỉ dẫn địa lý “Thanh Hà” cho sản phẩm quả vải thiều…

Đối tượng

Dùng cho các hàng hóa, dịch vụ.

Dùng cho hàng hóa (các sản phẩm có nguồn gốc địa lý…)

Chức năng

Phân biệt hàng hóa, dịch vụ

Chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa từ một khu vực, vùng lãnh thổ hay một quốc gia cụ thể

Về điều kiện bảo hộ

Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu gồm:

- Dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;

- Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ khác

(Điều 72)

Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý gồm:

- Sản phẩm có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý.

- Sản phẩm có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý quyết định

(Điều 79)

Thời hạn bảo hộ

Có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn.

Được gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm (khoản 6 Điều 93)

Vô thời hạn (khoản 7 Điều 93)

Thời điểm chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ

- Chủ văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định;

- Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;

- Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;

- Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;

- Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;

- Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

(điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 95)

Khi các điều kiện tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính cả sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi hay không còn nữa (điểm g khoản 1 ĐIều 95)

Chủ thể có quyền đăng ký

Cá nhân, tổ chức được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp (Đối với các loại nhãn hiệu riêng lại có quy định riêng về chủ thể được quyền đăng ký).

Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước, Nhà nước có thể cho phép:

- Bản thân cá nhân hoặc tổ chức sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;

- Tổ chức, tập thể đại diện cho tổ chức, cá nhân sản xuất;

- Cơ quan hành chính địa phương thực hiện đăng ký.

Về chủ sở hữu

Tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Nhà nước là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý

Chủ thể có quyền sử dụng

- Chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng đối với nhãn hiệu thông thường;

- Chủ sở hữu, thành viên của tổ chức đăng ký nhãn hiệu tập thể;

- Cá nhân, tổ chức được đáp ứng tiêu chuẩn được chủ sở hữu cho phép đối với nhãn hiệu chứng nhận.

Các cá nhân, tổ chức sản xuất sản phẩm đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

Chuyển giao quyền sở hữu

- Được phép chuyển nhượng quyền sở hữu nhưng phải thỏa mãn điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu (khoản 5 Điều 139);

- Được phép chuyển giao quyền sử dụng cho người khác với điều kiện người được chuyển giao phải ghi chỉ dẫn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá về việc hàng hoá đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu (khoản 4 Điều 142)

- Không được phép chuyển nhượng quyền sở hữu cho người khác (khoản 2 Điều 139)

- Không được chuyển giao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (khoản 1 Điều 142)

Trên đây là các tiêu chí để phân biệt nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý theo quy định mới nhất. Nếu bạn đọc có vướng mắc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục