Người Việt sắp được mua ô tô lắp ráp giá rẻ?

Từ năm 2018, linh kiện ô tô nhập khẩu sẽ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 0%. Với quy định này, giá thành của xe ô tô lắp ráp trong nước được dự đoán sẽ giảm …

Ngày 16/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Một trong những nội dung mới đáng chú ý của Nghị định là quy định về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ô tô nhập khẩu. Cụ thể, linh kiện ô tô nhập khẩu sẽ được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Mức thuế suất này chỉ áp dụng đối với linh kiện ô tô nhập khẩu thuộc nhóm hàng 98.49.


Người Việt sắp được mua ô tô lắp ráp giá rẻ? (Ảnh minh họa)

Theo Chính phủ, để được áp dụng thuế suất ưu đãi, doanh nghiệp phải đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017..

Đồng thời, doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018 đến năm 2021) và mức 5 (từ năm 2020 trở đi); đạt đủ sản lượng quy định theo các tiêu chí về sản lượng và mẫu xe. Ngoài ra, linh kiện ô tô nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp phải đáp ứng các điều kiện như: Có tên trong nhóm 98.49; Thuộc loại trong nước chưa sản xuất được...

Về sản lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính công bố lộ trình như sau: Năm 2018 đạt 34.000 chiếc, năm 2019 là 40.000 chiếc, năm 2020 là 46.000 chiếc, năm 2021 là 53.000 chiếc và năm 2022 đạt 61.000 chiếc. Tổng giai đoạn 2018 - 2022 phải đạt 234.000 chiếc xe lắp ráp trong nước.

Có thể thấy, việc đưa thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô về mức 0% từ năm 2018 sẽ góp phần hạ giá thành của ô tô lắp ráp trong nước, tăng sức cạnh tranh của loại ô tô này đối với ô tô nhập khẩu. Như vậy, hoàn toàn có thể kỳ vọng trong thời gian tới, ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ có thêm cơ hội để phát triển, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, hạn chế tình trạng nhập siêu ô tô đã và đang diễn ra nhiều năm nay.

Hiện nay, có khá nhiều mẫu xe ô tô đang được lắp ráp trong nước, đơn cử như mẫu Vios (Toyota); Huyndai Grand i10 (Hyundai Thành Công), Kia Morning (Thaco), Honda City (Honda)…  Theo báo giá của các hãng ở thời điểm tháng 12/2017, giá của các loại xe lắp ráp này dao động từ khoảng hơn 300 triệu - gần 600 triệu đồng/chiếc. Với quy định áp thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện ở mức 0%, người tiêu dùng hi vọng giá của các mẫu xe ô tô lắp ráp nêu trên còn có thể hạ thấp hơn nữa, gần hơn với mức thu nhập của người dân.

Để tìm hiểu thêm về những quy định liên quan, bạn đọc tham khảo:

Nghị định 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan

Nghị định 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan

Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục