Người sử dụng bằng giả bị xử phạt thế nào?

Hiện nay, việc sử dụng bằng giả và mua bán bằng giả xảy ra khá phổ biến. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi sử dụng bằng giả mà có thể bị xử lý hành chính, kỷ luật hoặc hình sự.

1. Người sử dụng bằng giả bị phạt hành chính như thế nào?

Trước đây, người có hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng - 20 triệu đồng theo theo Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên hiện nay, Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã hết hiệu lực thi hành và được thay thế bởi Nghị định 04/2021/NĐ-CP.

Trong đó, Nghị định 04/2021/NĐ-CP không có quy định xử phạt cụ thể về hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Nghị định 04/2021 quy định xử phạt hành chính đối với một số vi phạm về sử dụng văn bằng, chứng chỉ như sau:

- Điều 22 quy định vi phạm về in phôi và quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

...

b) Không lập hoặc lập hồ sơ quản lý việc in, cấp, sử dụng, thu hồi, hủy bỏ phôi văn bằng, chứng chỉ không đầy đủ, không chính xác thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành

Điều 23 quy định vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác;

b) Cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình;

c) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Người sử dụng bằng giả bị xử phạt thế nào? (Ảnh minh họa)

2. Người sử dụng bằng giả có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Người sử dụng bằng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, sửa đổi bởi Luật số 12/2017/QH14. Mức phạt cụ thể như sau:

Khung 1: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

  • Phạm tội có tổ chức;

  • Phạm tội 02 lần trở lên;

  • Làm từ 02 - 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

  • Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

  • Thu lợi bất chính từ 10 triêu đến dưới 50 triệu đồng;

  • Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 - 07 năm:
  • Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

  • Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

  • Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.

Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng.


3. Công chức sử dụng bằng giả bị xử lý kỷ luật thế nào?

Công chức, viên chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị buộc thôi việc theo quy định tại Điều 13, Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

Đảng viên vi phạm quy định về quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ thì bị xử lý kỷ luật theo Điều 35 Quy định 69-QĐ/TW:

- Khai trừ khỏi Đảng nếu sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, được kết nạp vào Đảng, được đi học, quy hoạch, bổ nhiệm, thi nâng ngạch, bậc, để đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện trong công tác cán bộ.

- Kỷ luật bằng hình thức khiển trách trong trường hợp Đảng viên mua, bán, sử dụng, tặng, cho văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp gây hậu quả ít nghiêm trọng.

- Trường hợp đã bị kỷ luật mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

  • Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp để hợp thức hoá hồ sơ cán bộ, đảng viên.
  • Làm giả hoặc sửa chữa, bổ sung, xác nhận sai sự thật để cấp có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ cho người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; sửa chữa, bổ sung làm sai lệch nội dung trong văn bằng, chứng chỉ phục vụ cho hành vi trái pháp luật.
  • Cho người khác mượn, thuê, sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình để sử dụng trong việc tuyển dụng, đi học, thi nâng ngạch, bổ nhiệm, bầu cử hoặc mục đích trái quy định...

Trên đây là thông tin về: Người sử dụng bằng giả bị xử phạt thế nào? Nếu có vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục