Người nước ngoài có được gửi tiết kiệm tại Việt Nam?

Hiện nay, có rất nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Trong số đó, không ít người có nhu cầu được gửi tiết kiệm tại đây để ổn định cuộc sống.

Ai được gửi tiết kiệm tại Việt Nam?

Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 48/2018/TT-NHNN, tiền gửi tiết kiệm là khoản tiền được gửi tại tổ chức tín dụng theo nguyên tắc được hoàn trả đầy đủ tiền gốc và lãi theo thỏa thuận với tổ chức tín dụng. Trong đó, theo Điều 3 Thông tư 48, đối tượng được gửi tiền tiết kiệm bao gồm:

1. Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

2. Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

3. Công dân Việt Nam bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật hoặc chưa đủ 15 tuổi thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật; Công dân Việt Nam có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm thông qua người giám hộ.

Theo quy định trên, người nước ngoài không được gửi tiết kiệm tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài dịch vụ gửi tiền tiết kiệm, các tổ chức tín dụng hiện nay còn cung cấp các sản phẩm về tiền gửi có kỳ hạn.

Theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 49/2018/TT-NHNN, tiền gửi có kỳ hạn là khoản tiền khách hàng gửi tại tổ chức tín dụng trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận giữa khách hàng và tổ chức tín dụng với nguyên tắc hoàn trả đầy đủ tiền gốc và lãi cho khách hàng.

Khác với gửi tiết kiệm, người gửi tiền gửi có kỳ hạn sẽ không nhận được sổ tiết kiệm, toàn bộ hoạt động gửi tiền sẽ được lưu lại trên hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, lãi của dịch vụ tiền gửi có kỳ hạn thường được thỏa thuận trả trước, sau hoặc trả định kỳ, còn lãi của dịch vụ gửi tiết kiệm thường thỏa thuận trả theo tháng, quý hoặc cuối kỳ.

Về đối tượng được gửi tiền gửi có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng, Điều 3 Thông tư 49 quy định gồm:

1. Người cư trú là tổ chức, cá nhân.

2. Người không cư trú bao gồm:

a) Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Văn phòng đại diện, văn phòng dự án của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam;

b) Công dân Việt Nam không thuộc các trường hợp quy định tại điểm e và g khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối (đã được sửa đổi, bổ sung);

c) Cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 6 (sáu) tháng trở lên.

Như vậy, theo quy định trên, người nước ngoài được phép gửi tiền gửi có kỳ hạn tại Việt Nam nếu cư trú hợp pháp từ 06 tháng trở lên.

nguoi nuoc ngoai co duoc gui tiet kiemNgười nước ngoài có được gửi tiết kiệm tại Việt Nam? (Ảnh minh họa)

Giải thích về việc không cho người nước ngoài gửi tiết kiệm

Khi các quy định trên mới ban hành, đã có thắc mắc từ một số ngân hàng thương mại về việc không được nhận tiền gửi tiết kiệm của nhóm khách hàng là người nước ngoài, khiến thất thoát về vốn và không tranh thủ được tối đa nguồn lực.

Tuy nhiên, lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước giải thích, thắc mắc và hiểu nhầm trên một phần do các tổ chức tín dụng, hoặc người tiếp cận chỉ tập trung ở các quy định của Thông tư 48, mà chưa tìm hiểu thêm quy định có liên quan khác.

Thông tư số 49 quy định về tiền gửi có kỳ hạn được ban hành cùng thời điểm và bổ trợ cho Thông tư 48 quy định về tiền gửi tiết kiệm. Đây là một cặp văn bản quy định về các hoạt động gửi tiền tại ngân hàng.

Theo đó, người nước ngoài chỉ được gửi tiền vào các ngân hàng theo hình thức gửi tiền có kỳ hạn.

Lãnh đạo vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước giải thích, do Luật Các tổ chức tín dụng sau khi sửa đổi, bổ sung có quy định hai khái niệm về “tiền gửi có kỳ hạn” và “tiền gửi tiết kiệm”, nên các thông tư trên được tách ra, nhưng về bản chất không thay đổi.

Về hình thức, với tiền gửi tiết kiệm thì khách hàng mang tiền trực tiếp đến quầy giao dịch và ngân hàng phát hành sổ tiết kiệm; với tiền gửi có kỳ hạn, khách hàng chuyển tiền gửi từ tài khoản thanh toán gửi theo các kỳ hạn và hưởng lãi suất.

Một số điểm cần lưu ý về gửi tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng

Về thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn

Tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 49 quy định, thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn giữa tổ chức tín dụng và khách hàng phải được lập thành văn bản, trong đó bao gồm tối thiểu các nội dung:

a) Thông tin của khách hàng:

(i) Đối với khách hàng là cá nhân: Họ và tên, quốc tịch, thuộc đối tượng người cư trú hoặc người không cư trú, số và ngày cấp Giấy tờ xác minh thông tin cá nhân và thông tin của người đại diện hợp pháp trong trường hợp gửi tiền gửi có kỳ hạn thông qua người đại diện hợp pháp;

(ii) Đối với khách hàng là tổ chức: Tên tổ chức, thuộc đối tượng người cư trú hoặc người không cư trú, số và ngày cấp Giấy tờ xác minh thông tin tổ chức; Thông tin về người đại diện hợp pháp của tổ chức bao gồm: họ và tên, số và ngày cấp Giấy tờ xác minh thông tin cá nhân;

(iii) Đối với tiền gửi chung có kỳ hạn: thông tin của tất cả khách hàng sở hữu chung khoản tiền gửi có kỳ hạn;

b) Thông tin tổ chức tín dụng: Tên tổ chức tín dụng; Họ và tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch tiền gửi có kỳ hạn với khách hàng;

c) Số tiền, đồng tiền, thời hạn gửi tiền, ngày gửi tiền, ngày đến hạn;

d) Lãi suất, phương thức trả lãi;

đ) Thỏa thuận về chi trả trước hạn, kéo dài thời hạn gửi tiền;

e) Thông tin tài khoản thanh toán của khách hàng được dùng để gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn gồm: tên chủ tài khoản thanh toán, số tài khoản thanh toán, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản thanh toán;

g) Xử lý trong trường hợp tài khoản thanh toán của khách hàng bị phong tỏa, đóng, tạm khóa và các trường hợp thay đổi tình trạng tài khoản thanh toán của khách hàng;

h) Biện pháp để khách hàng tra cứu khoản tiền gửi có kỳ hạn;

i) Xử lý đối với các trường hợp nhàu nát, rách, mất thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn;

k) Quyền và nghĩa vụ của khách hàng, tổ chức tín dụng;

l) Hiệu lực của thỏa thuận.

Ngoài các nội dung trên, Điều 6 cũng quy định, các bên có thể thỏa thuận nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Về lãi suất tiền gửi, theo Điều 7 Thông tư 49, lãi suất do tổ chức tín dụng quy định phải phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ.

Đồng thời phương pháp tính lãi phải thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, phương thức trả lãi thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng.

Về kéo dài thời hạn gửi tiền

Theo Điều 9 Thông tư 49 của ngân hàng Nhà nước, việc kéo dài thời hạn gửi tiền vào ngày đến hạn của khoản tiền gửi có kỳ hạn thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng.

Trong đó, thời hạn gửi tiền theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng là tổ chức và cá nhân nước ngoài không được dài hơn thời hạn hiệu lực của thị thực hoặc các giấy tờ khác xác định thời hạn được phép cư trú của cá nhân tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp

Về xử lý trường hợp rủi ro

Căn cứ Điều 14 Thông tư 49, tổ chức tín dụng có trách nhiệm hướng dẫn xử lý đối với trường hợp nhàu nát, rách, mất thỏa thuận tiền gửi và các trường hợp rủi ro khác đối sao cho phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, điều kiện kinh doanh của tổ chức tín dụng và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Trên đây là một số thông tin về vấn đề người nước ngoài có được gửi tiết kiệm tại Việt Nam không? Nếu gặp vướng mắc cần giải đáp, độc giả vui lòng liên hệ tổng đài 1900.6192.

>> Người nước ngoài có được mở tài khoản ngân hàng?

>> Bị mất sổ tiết kiệm, xử lý thế nào?

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

[Tổng hợp] Khung khấu hao tài sản cố định mới nhất hiện nay

[Tổng hợp] Khung khấu hao tài sản cố định mới nhất hiện nay

[Tổng hợp] Khung khấu hao tài sản cố định mới nhất hiện nay

Việc xác định được khung khấu hao tài sản cố định giúp cho doanh nghiệp thể hiện được tính chính xác về tình hình thực tế của tài sản và các yêu cầu về tài chính và thuế của doanh nghiệp. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khung khấu hao tài sản cố định.