Người nợ thuế bị thu thập thông tin số dư tiền gửi

Theo Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 1503/QĐ-TCHQ ngày 18/05/2018, cơ quan Hải quan thu thập, xác minh thông tin của doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế xuất nhập khẩu như sau:

Thông tin cần thu thập

Tên người nộp thuế có nợ; địa chỉ; điện thoại, fax; tên giám đốc, loại hình doanh nghiệp và/hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên; chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH hai thành viên trở lên; hội đồng quản trị công ty (nếu có).

Đặc biệt, sẽ thu thập thông tin về số CMND/số hộ chiếu của các cá nhân trên; các ngân hàng giao dịch; các số tài khoản tiền gửi; số dư tiền gửi; tình trạng hoạt động của người nộp thuế.

Những thông tin này sẽ được cập nhật thường xuyên, kịp thời để đảm bảo việc xử lý nợ thuế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, đồng thời thông tin phải được chuyển cho bộ phận quản lý rủi ro cấp tương đương để tiếp tục cập nhật, bổ sung vào hồ sơ doanh nghiệp trên hệ thống quản lý rủi ro.

Nợ thuế xuất nhập khẩu

Người nợ thuế xuất nhập khẩu bị thu thập thông tin số dư tiền gửi (Ảnh minh họa)

Nguồn thu thập thông tin

Công chức của cơ quan Hải quan khai thác thông tin về người nộp thuế trên cơ sở dữ liệu của ngành hải quan và hồ sơ hải quan và từ các nguồn khác như: Các ngân hàng và tổ chức tín dụng; thông tin từ cơ quan quản lý thuế; thông tin trên Website Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất; thông tin từ các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, thông tin do người nộp thuế cung cấp...

Các thông tin về người nộp thuế được công chức của cơ quan Hải quan xác minh trực tiếp hoặc/và gửi văn bản đề nghị cung cấp thông tin hoặc/và khai thác thông tin trên các trang web của các cơ quan chức năng.

Việc xác minh tài khoản của người nộp thuế tại tổ chức tín dụng được thực hiện theo mẫu quy định tại Thông tư liên tịch 102/2010/TTLT-BTC-NHNN. Việc gửi và nhận văn bản xác minh thực hiện theo chế độ mật. Nếu gửi qua dịch vụ bưu chính phải thực hiện bằng hình thức bảo đảm. Để việc xác minh được nhanh chóng, hiệu quả, văn bản đề nghị xác minh cần gửi nhiều ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Những thông tin thu thập được phải được lưu trữ và theo dõi riêng theo từng người nộp thuế có nợ.

LuatVietnam

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục